Địa đạo Nam Hồng chìm trong bóng tối

Phạm Sỹ 21/04/2021 08:30

Địa đạo Nam Hồng thuộc xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) được đánh giá là một hình thức tác chiến độc đáo, tiêu biểu ở vùng Đồng bằng Bắc bộ thời kỳ 1946 - 1954. Địa đạo này mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, quân sự nhưng đang bị lãng quên, xuống cấp.

Một đầu địa đạo Nam Hồng nằm trong căn nhà ngói đang bị đổ nát của gia đình ông Phạm Quang Dộc.

Di tích địa đạo Nam Hồng thuộc xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ đất nước, nơi đây là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Ngày 29/1/1996, xã Nam Hồng vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 13/2/1996, Khu di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo lời kể của một số cụ cao tuổi thì xưa ở đây còn gọi là làng kháng chiến, xung quanh được bao bọc bởi lũy tre như bờ thành. Để vào được làng chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trước sự càn quét của giặc, ông cha ta ngày xưa đã chọn nơi đây làm căn cứ cách mạng. Hầm địa đạo ngày đó dài gần 11km.

Địa đạo Nam Hồng không giống với các hệ thống địa đạo khác. Đó là phần lớn địa đạo được đào, nối thông qua những ngôi nhà trong khắp các thôn, xóm. Theo lời kể, địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh. Địa đạo Nam Hồng cùng hệ thống giao thông hào, lũy tre, thành lũy trên mặt đất, đủ để chặn đứng bước tiến của địch, tạo ra lối di chuyển thuận lợi, bí mật giúp kháng chiến bảo toàn lực lượng. Hiện nay, hầu hết địa đạo đã bị sập, hỏng không còn nguyên vẹn như xưa.

Hiện tại một đầu địa đạo nằm trong căn nhà ngói đang bị đổ nát của gia đình ông Phạm Quang Dộc ở thôn Vệ thuộc xã Nam Hồng. Hàng ngày phải chứng kiến sự xuống cấp, ông Dộc nói: “Nếu tôi phá căn nhà đi để sửa lại thì bị vi phạm. Nhà cũ đổ nát muốn phá đi không cho phá, xây dựng lên thì không được phép nên tôi đành để vậy”. Ông Dộc cũng khẳng định, “muốn làm di tích thì chúng tôi sẵn sàng nhưng phải có quyết định thu hồi đất và có đền bù để mọi thứ được rõ ràng”.

Quanh năm ngày tháng, di tích lịch sử cấp quốc gia nằm im lìm trong bóng tối.

Nhiều đoàn tìm về địa đạo muốn thăm quan nhưng ông Dộc yêu cầu phải ra UBND xã để liên hệ. Khi UBND xã giới thiệu, dẫn xuống thì những gia đình có cửa hầm địa đạo mới có thể cho du khách vào. Người dân làm như vậy vì tự ý thức được sự nguy hiểm của địa đạo trong vài năm trở lại đây: “Nếu tự do cho vào, không may xảy ra sự cố thì mình phải chịu. Tôi chỉ khuyến cáo khách đến đây đi 5m thì quay lại vì đi sâu quá sợ bị ngạt khí. Còn nếu đoàn thăm quan được UBND xã thông báo trước thì sẽ mở hai đầu địa đạo từ hôm trước để thông khí”, ông Dộc cho biết thêm.

Ông Phạm Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết: “Năm 2000, địa đạo được tu bổ tôn tạo một đoạn 200m nhưng chưa ăn thua gì so với quy mô ban đầu. Di tích này liên quan đến nhiều bộ, ban ngành nên việc tu bổ, tôn tạo là cả một quá trình. UBND xã cũng đã có những phương án để đề xuất các cấp thẩm quyền xem xét”.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Địa đạo Nam Hồng là một địa đạo rất đặc biệt của chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc bộ và ở Hà Nội. Ngày xưa địa đạo này rất dài, có một thời kỳ Bảo tàng Quân đội cũng đã giúp họ phục hồi một số đoạn địa đạo nhưng sau đó thì không ai quản lý được nên phần địa đạo chỉ còn hai đầu. Để giữ được địa đạo này là rất khó. Theo tôi quan trọng nhất là Sở VHTT Hà Nội với địa phương làm thế nào cố gắng giữ được hai đầu địa đạo để bảo tồn cho tốt. Tốt nhất nên làm một sa bàn địa đạo đặt ở địa phương, phải nghĩ cách phục hồi sa bàn trên lời kể của những nhân chứng còn sống để kể về câu chuyện địa đạo Nam Hồng. Có những người ở thế hệ đó còn sống thì chúng ta tư liệu hóa bằng cách kể những câu chuyện bằng video có lời, có hình. Cùng với mô hình địa đạo phục hồi lại, thì đó là cách nhìn bảo tồn”.

Tại nhà truyền thống Nam Hồng nằm trong khuôn viên UBND xã Nam Hồng có lưu giữ bản sao bút tích của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm vùng đất Nam Hồng anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cần có sự quan tâm và có đầu tư thích đáng”.

Trước những gì đang diễn ra tại địa đạo Nam Hồng như hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích của cơ quan chức năng liên quan. Bởi không chỉ riêng di tích Nam Hồng đang bị lãng quên, xuống cấp mà thời gian gần đây, nhiều di tích tại Hà Nội liên tục bị xâm hại khiến những người quan tâm đến di sản không khỏi lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa đạo Nam Hồng chìm trong bóng tối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO