Địa phương cấp, quản lý mã số vùng trồng

Lê Bảo 28/03/2023 06:21

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm vừa qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng còn quá ít và mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực. Trong khi đó, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Đặc biệt, tình trạng "mạo danh" mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại.

Mã số vùng trồng là điều kiện để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Đến nay cả nước đã có 5.300 mã số vùng trồng được công nhận. Đây vẫn là con số khiêm tốn so với vùng nguyên liệu lớn ở các địa phương.

Phản ánh từ các địa phương cho thấy, rào cản lớn nhất là do tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cần quy mô, diện tích vùng trồng lớn, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất nhưng đây là lĩnh vực mới, nhiều người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, việc ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, sản xuất theo hướng liên kết, theo quy trình hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, sở NN&PTNT các tỉnh về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng sẽ được phân cấp triệt để về địa phương. Trước đây, địa phương thực hiện các công việc bao gồm tiếp nhận đề nghị của cá nhân và doanh nghiệp, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ để gửi cho Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và gửi cho nước nhập khẩu. Hiện việc cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ được Cục ủy quyền cho địa phương.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc này sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết nhu cầu về cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản đang tăng nhanh thời gian qua, giảm áp lực cho cán bộ phải giải quyết hàng nghìn mã số, tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ khiến người nông dân bị lỡ mất vụ thu hoạch.

“Hy vọng trong thời gian tới, với cách thức quản lý mới, số liệu sẽ thống nhất hơn, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng" - bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT thông tin.

Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa phương cấp, quản lý mã số vùng trồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO