Dịch bệnh Covid-19: 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng

H.Hương 13/03/2021 07:14

Tại buổi công bố Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức ngày 12/3, cho thấy: gần 90% DN bị ảnh hưởng bởi Covid 19.

Dịch bệnh Covid-19 khiến cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao dộng khó khan. Ảnh: Bảo Trân.

Ngành nghề nào cũng bị tác động

Với kết quả tổng hợp phản hồi từ 10.197 DN trên toàn quốc, Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết có 87,2% DN tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% DN tư nhân và 74,5% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với DN tư nhân các lĩnh vực ảnh hưởng lớn trên 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Đối với doanh nghiệp FDI, ngành nghề ảnh hưởng lớn nhất là DN bất động sản (100%) tiếp đến là thông tin, truyền thông, nông nghiệp thủy sản, sản xuất may mặc, đồ da, dệt, bán buôn, bán lẻ…

Theo kết quả khảo sát, DN gặp trở lại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động…

Đáng chú ý kết quả điều tra chỉ ra các DN mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Cụ thể, 89% DN tư nhân và 92% DN FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch Covid 19.

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm 1/3 lao động

Bên cạnh đó Báo cáo cũng cho biết phần lớn các DN cắt giảm lao động vì ảnh hưởng bão dịch.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết việc thực hiện biện pháp cho người lao động nghỉ việc do tình kinh kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid19 là điều DN phải làm, song có sự khác biệt nhất định theo quy mô và khu vực kinh tế. Cụ thể, các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% DN quy mô vừa và 32% DN quy mô lớn phải cho công nhân nghỉ việc

Ứớc tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một DN. Các DN tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các DN FDI con số này là khoảng 17%. Những DN tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với DN FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%.

Trước khi VCCI công bố báo cáo, cơ quan thống kê là Tổng cục Thống kê cũng đã cho biết, do tác động của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành tăng cao, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.

Báo cáo cho thấy 92% DN tư nhân và 96% DN FDI đã thực hiện ít nhất một biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới…

Về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đa số DN đánh giá các chính sách là hữu ích nhưng các chính sách còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều DN đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ.

“Do tác động của Covid-19, 2020 cũng là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây, và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp”, theo Chủ tịch VCCI.

Quan trọng phải là những giải pháp dài hạn

Và ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2020, có 95 văn bản của cấp trung ương, cấp địa phương ban hành liên quan tới các biện pháp hỗ trợ DN vượt qua dịch bệnh.

Một số gói hỗ trợ lớn được Chính phủ tung ra, đó là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất 180.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ trả lương lao động 16.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo vị Trưởng ban Pháp chế VCCI, vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ DN. Trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khó tiếp cận nhất.

Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, với cộng đồng DN cùng với các giải pháp của Chính phủ thì chính quyền địa phương cần tính đến việc miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh cho các DN trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch bệnh Covid-19: 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO