Dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế lập nhiều tổ công tác hỗ trợ miền Tây

TUỆ YÊN 30/07/2021 21:55

Trong tình hình dịch Covid-19 đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành trong khu vuực ĐBSCL, Bộ Y tế đã có quyết định thành lập thêm các tổ công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây.

Tối ngày 30/7, thông tin CDC tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến 18h, trong ngày địa phương đã ghi nhận thêm 157 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 59 trường hợp trong cộng đồng, được phát hiện thôngqua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm; 60 trường hợp trong khu cách ly; 38 trường hợp trong khu vực phong tỏa.

Cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp lực lượng công an khẩn trương rà soát, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly các trường hợp liên quan để thực hiện cách ly theo quy định.

Trong thư ngỏ ngày 30/7, UBND tỉnh Đồng Tháp khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào hoạt động chống dịch tại địa phương.

Cùng ngày, nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế,… tập trung chăm sóc những ca F0 nặng và rất nặng tại bệnh viện, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đã có kế hoạch thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà ở các địa phương gồm: TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ, huyện Tam Bình và Thị xã Bình Minh từ ngày 1/8 đến 31/8.

Chiều 30/7, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hậu Giang, địa phương vừa ghi nhận ngoài 120 ca mắc Covid-19 có mã số, Hậu Giang ghi nhận thêm 46 người dương tính SARS-CoV-2. Trong ngày, có 11 người khỏi bệnh, nâng tổng ca mắc Covid-19. Như vậy đến nay đã có 40 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh Covid-19.

Cũng theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hậu Giang, địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ đón công dân cư ngụ trên địa bàn trở về từ TP Hồ Chí Minh bằng cách đưa xe đến đón. Theo đó, công dân được tỉnh Hậu Giang đón về do ảnh hưởng dịch Covid-19 là những người đang học tập, lao động tại TP Hồ Chí Minh, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội và không phải F0.

Những người được tỉnh Hậu Giang đón về phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 3 ngày và phải đăng ký theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, phải được sự thống nhất của cơ quan chức năng nơi cư trú tại TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến, việc tổ chức đón công dân trở về chia thành 2 đợt. Theo đó, ngày 3 đến 4/8 sẽ tổ chức đợt 1 và ngày 11 đến 12/8 đối với đợt 2, theo thứ tự ưu tiên theo từng nhóm đối tượng 1, 2 và 3.

Trong đó, nhóm thứ nhất là người già, trẻ em; phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 3 tuổi; người khuyết tật, đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được; lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng và học sinh, sinh viên. Nhóm 2 là những lao động tự do, bị mất việc làm và nhóm 3 là những trường hợp khác. Dự kiến, số lượng tiếp nhận trong cả 2 đợt vào khoảng 400 đến 600 người.

Sau khi trở về địa phương, các công dân sẽ được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Đại học Cần Thơ ( cơ sở khu Hoà An) thuộc địa phận xã An Hoà, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Ngoài ra, căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại các vùng dịch. Cũng như dựa trên số lượng công dân đăng ký trở về sau khi được xét duyệt của các địa phương và khả năng tiếp nhận của khu cách ly theo quy định trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ sắp xếp để tổ chức các đợt tiếp theo đưa công dân trở về.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các xã, phường, thị trấn trên địa bàn lập các chốt kiểm soát có rào chắn và tổ chức kiểm soát hoạt động 24/24 tại tất cả cửa ngõ ra vào từng địa phương cấp cơ sở, đặc biệt là các tuyến đường liên xã, hẻm nhỏ liên thông nhiều địa bàn đảm bảo ngăn cách toàn diện với các địa bàn lân cận nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 giữa các địa phương tiếp giáp lân cận.

Lực lượng chức năng đang lập chốt phong toả tại khu vực có nguy cơ lấy, nhiễm cao.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong khu vực miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập các tổ công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây. Theo đó, Mỗi tổ có 12 đến 16 thành viên, là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Căn cứ theo quyết định, tổ công tác thường trực tại tỉnh Bạc Liêu do ông Trần Quang Phục, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, làm tổ trưởng sẽ hỗ trợ phòng chống dịch tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau. Cùng với đó, giao ông Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, làm tổ trưởng tổ công tác thường trực tại TP Cần Thơ có nhiệm vụ hỗ trợ TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng bổ sung thêm 7 đến 8 thành viên cho tổ công tác của Bộ Y tế đang hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Tháp và Tiền Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế lập nhiều tổ công tác hỗ trợ miền Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO