Dịch chưa qua, đã lại lo ‘bà hỏa’

THÀNH LUÂN - ĐOÀN XÁ 26/10/2021 06:56

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 10 năm 2021 đến nay đã có tới 15 vụ cháy làm nhiều người thương vong. Số vụ cháy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đó có thể coi là bất thường, nhất là khi TP HCM đã mở cửa khôi phục các hoạt động khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế.        

Hiện trường vụ cháy xảy ra tại kho đông lạnh của Công ty Viet Sin vào rạng sáng 20/10.

Sau giãn cách, lại khổ vì “bà hỏa”

Đại diện một nhà xưởng của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin vừa mở cửa trở lại ở phường An Lạc A, quận Bình Tân cho biết, mới đây vào ngày 20/10 “bà hỏa” đã ghé thăm lúc rạng sáng khiến toàn bộ kho đông lạnh của công ty bị cháy, trong đó có khoảng 220 m2 nhà xưởng, văn phòng. Rất may, nhờ các lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của quận 6 và quận Bình Tân có mặt kịp thời đã khống chế đám cháy phần diện tích còn lại, ngăn chặn không để cháy lan sang các khu vực khác và nhà dân xung quanh.

Trước đó không lâu, một cơ sở kinh doanh giày dép trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú vừa hoạt động trở lại đã gặp sự cố cháy khiến 1 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều tài sản hư hại nặng. Đám cháy cũng đã khiến 2 căn nhà bị cháy rụi, trong đó có 1 tiệm bánh mì và 1 cửa hàng thời trang.

Hiện trường vụ cháy khiến 2 căn nhà liền kề tại quận Tân Phú bị thiêu rụi, làm 1 người chết, 4 người bị thương ngay khi TP HCM vừa nới lỏng giãn cách.

Một số vụ cháy cũng xảy ra tại các nhà xưởng và gara có nhiều vật dụng, thiết bị dễ cháy nổ, dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Gara xe Toàn Phát hoạt động đã được 3 năm trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gara này thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng qua. Thế nhưng, nhiều người dân sống xung quanh gara này tá hỏa phát hiện cột khói bốc lên kèm theo mùi khét nồng nặc từ gara. Điều đáng nói là mọi cố gắng tìm cách chữa cháy đều bất thành vì chủ gara vắng mặt, cửa khu nhà xưởng rộng lớn đã bị khóa chặt.

Theo Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 1 thuộc Phòng PC07, Công an TP HCM, dù không thiệt hại về người nhưng vụ cháy cũng đã làm cháy khoảng 70 m2 diện tích cùng 3 ô tô và 1 xe máy. Cảnh sát PCCC đã dập tắt được đám cháy kịp thời không để cháy lan sang các nhà dân trong khu dân cư.

Một vụ cháy khác cũng xảy ra tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 10, quận 10) cũng mới xảy ra vào ngày 19/10. Theo Trung tâm thông tin chỉ huy của Phòng PC07, vụ cháy tại quán K-T karaoke hoạt động từ nhiều năm nay. Hoạt động kinh doanh của quán chưa trở lại sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội. Karaoke là một trong những dịch vụ vẫn tạm ngừng hoạt động do chủ trương của TP HCM dù nới lỏng giãn cách nhưng đảm bảo theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nguyên tắc là mở cửa nền kinh tế phải bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người dân. Cũng theo PC07, vụ cháy rất may không thiệt hại về người. Về thiệt hại tài sản là khoảng 80 m2/1.200 m2. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã bảo vệ và ngăn không cho cháy lan sang các khu vực và nhà dân.

Sự cố cháy nổ bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, người dân phải luôn nâng cao cảnh giác. Nguồn: Cục CSPCCC.

Khuyến cáo của PC07, Công an TP HCM, khi mở cửa hoạt động trở lại, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến dây chuyền sản xuất cần được kiểm tra cấu kiện, linh kiện, phát hiện kịp thời nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt, khi sửa chữa, cải tạo có hàn, cắt kim loại, cần thực hiện đầy đủ quy định, gồm: cách xa vật thể dễ cháy 10m; có dụng cụ che chắn không để xỉ hàn bắn ra khu vực xung quanh; chuẩn bị bình chữa cháy tại nơi hàn cắt; có người kiểm soát, theo dõi suốt quá trình hàn, cắt.

Vì sao “bà hỏa” hoành hành?

TP HCM đang ở cao điểm của mùa mưa, khiến nhiều người lơ là, chủ quan trong PCCC. Con số báo động vừa được PC07 thông tin, cho biết trong số 15 vụ cháy sau thời điểm giãn cách xã hội (từ 1-15/10) đã có tới 60% sự cố cháy xảy ra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tùng, 42 tuổi - chủ một cơ sở sản xuất ống nhựa trên địa bàn xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) chia sẻ, từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh tới nay, cơ sở của anh luôn thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định.

“Tất cả các thiết bị, dụng cụ sử dụng để chữa cháy đều được công ty trang bị đầy đủ, đúng quy định. Hàng năm đều được cán bộ PCCC tới kiểm tra, thay mới nếu có hư hỏng hay không sử dụng được. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong công tác PCCC là ý thức con người, đặc biệt là công nhân làm việc trong xưởng. Như cơ sở sản xuất của tôi có nhiều đồ dễ cháy như hạt nhựa, bao bì và nguồn cháy là máy sản xuất ép nhựa làm việc liên tục với nhiệt độ khoảng 600 độ C. Nếu công nhân bất cẩn, đặc biệt là ban đêm mà sơ ý để bao bì hay hạt nhựa gần máy ép nhựa bắt tia lửa thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường” - anh Tùng nói và thêm rằng nguyên nhân gây cháy thì rất nhiều, thậm chí chỉ là một tàn thuốc lá ném không đúng chỗ cũng có thể bắt lửa, gây cháy. Ngược lại, dù trong môi trường có nguy cơ cháy cao nhưng luôn cảnh giác, đề phòng thì rất khó để xảy ra cháy.

Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Palet tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Hiện nay, chi phí duy trì công tác PCCC thường rất lớn, có khi lên đến vài chục triệu mỗi năm, chưa kể nhân sự là đội PCCC tại chỗ. Một doanh nghiệp phải thực hiện hàng chục các quy định, nội quy về PCCC nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu vẫn là ý thức của công nhân, người lao động. Đặc biệt, ngay cả khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định PCCC nhưng nếu xảy ra cháy thì cũng rất khó được đền bù, bảo hiểm vì công tác khắc phục cũng do phía doanh nghiệp tự đảm bảo. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp thường tìm cách làm qua loa, không thực hiện nghiêm các quy định PCCC.

Vẫn theo người này, công ty anh có bảng hướng dẫn lên tới hơn 20 điều nội quy về PCCC cùng việc thành lập đội PCCC cơ sở, phương án PCCC, diễn tập thường xuyên... nhưng quan trọng vẫn là ý thức công nhân, người lao động. Toàn bộ các công tác trên chỉ là đề phòng xảy ra cháy. Mà đề phòng hiệu quả nhất chính là ý thức của người lao động ở doanh nghiệp đó.

Theo một lãnh đạo PC07, Công an TP HCM có nhiều nguyên nhân gây cháy trên địa bàn TP HCM nhưng chủ yếu tập trung ở 15 nguyên nhân chính. Cụ thể, từ các nguyên nhân chủ yếu này, PC07 cảnh báo người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần thiết, nên dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Thứ 2 là không để phương tiện ôtô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở gần bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thứ 3 là không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Thứ 4 không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác như sử dụng thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn bộ nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy. Hay bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn chống cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Đặc biệt, khi xảy ra cháy cần tìm mọi cách để báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Trước thực trạng đáng lo ngại kể trên, PC07 đã yêu cầu chính quyền các địa phương, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động sau giãn cách xã hội. Đồng thời, PC07 cũng hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi đưa vào vận hành, hoạt động phải lưu ý những vấn đề liên quan đến an toàn PCCC.

Việc xảy ra nhiều sự cố cháy nổ liên tiếp bắt nguồn một phần nguyên nhân từ việc thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kéo dài nhiều tháng. Sau khi hoạt động trở lại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu kiểm tra, rà soát các điều kiện an toàn về PCCC. Đơn cử, một số vụ cháy trước đây khi kiểm tra phát hiện hệ thống điện bong tróc, hở mối nối hay chuột cắn,… Việc đồng loạt vận hành đóng điện cũng gây rủi ro quá tải, chạm chập điện gây cháy, nổ.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm.

Để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19, cùng thành phố bước sang trạng thái bình thường mới, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 (Công an TP HCM) cho biết, đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Việc tuyên truyền về PCCC đã được đẩy mạnh với nhiều đổi mới tích cực, đa dạng. Ngoài ra, PC07 cũng xây dựng trang mạng xã hội Zalo phục vụ tuyên truyền, xây dựng nhiều clip về PCCC để người dân có thể dễ dàng truy cập tìm hiểu, ban hành cẩm nang an toàn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch chưa qua, đã lại lo ‘bà hỏa’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO