Điểm chuẩn cao, khó phân loại thí sinh

Lê Vinh 06/08/2017 08:00

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017 đã kết thúc xét tuyển đợt một. Điểm chuẩn cũng đã được các trường ấn định. Thực tế cho thấy năm nay điểm chuẩn ở hầu hết các trường tốp trên đều cao kỷ lục trong suốt 16 mùa xét tuyển thi đại học theo hình thức 3 chung .

Điểm xét tuyển nhiều trường cao hơn dự kiến, thí sinh bất ngờ.

Điểm chuẩn vượt trần

Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội năm nay là 29,25 điểm, theo Phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú- Hiệu phó nhà trường thì đây là mức điểm chuẩn cao nhất trong 15 năm qua. Không chỉ ngành Y đa khoa mà điểm các ngành khác của trường này đều tăng và đa số ở ngưỡng trên 26 điểm.

Điểm chuẩn vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân dành cho nữ, khối D1, thậm chí lên tới 30,5 điểm. Tương tự, điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Vì vậy, nếu thí sinh chỉ dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia mà không có điểm cộng thì dù đạt điểm tuyệt đối cả ba môn thi vẫn trượt đại học.

Điểm chuẩn ngành Kinh tế quốc tế và Kế toán là 27 điểm, mức điểm chuẩn mà trước đây thường chỉ thấy ở ngành y đa khoa của khối trường y. Ngành có điểm tăng nhiều nhất so với năm 2016 là Ngôn ngữ Anh (tiếng Anh hệ số 2), tăng 5,57 điểm, từ 28,76 lên 34,33 điểm. Có thể nói đây là mức tăng cao nhất trong những năm qua của Đại học Kinh tế quốc dân.

Không chỉ các trường nhóm trên, những trường nhóm dưới cũng tăng từ 0,5 đến 3 điểm, tùy theo từng ngành, như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…Theo PGS Đỗ Văn Xê- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, điểm chuẩn cao là hệ quả từ điểm thi trung học phổ thông năm nay cao hơn. Kỳ thi không chỉ để xét tuyển đại học mà còn nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Vì thế, đề thi dễ hơn, điểm thi cao hơn.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng cho rằng vì sử dụng một kỳ thi cho 2 mục đích. Đối với mục đích tốt nghiệp, đề phải dễ để các em có thể đến 99, 100% đậu tốt nghiệp được. Tuy nhiên, nếu sử dụng kỳ thi này cho mục đích tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thì khá bất cập. Vì vào ĐH là để tuyển nhân tài và đề phải thật sự phân hóa, nhưng nếu đề khó sẽ khiến cho mục tiêu tốt nghiệp không đạt được.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, điểm trúng tuyển cao, có nguyên nhân chính là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được lựa chọn ngành học mà các em yêu thích chứ không phải lựa chọn trường ĐH chỉ để đỗ đơn thuần.

Cụ thể, quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc các thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, các trường khối công an, quân đội vốn thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước (cả trình độ ĐH và CĐ) thì năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm mạnh nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều cao hơn năm trước.

Ngoài ra, nhiều trường/ngành lại phân biệt điểm môn chính nhân hệ số và xét tuyển theo thang điểm 40 nên đã tạo ra cảm giác là điểm trúng tuyển rất cao nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp 3 môn thi mà do có một môn được tính điểm 2 lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên…

Còn ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến điểm cao là thay đổi hình thức thi. Hình thức thi trắc nghiệm chiếm phần lớn, nên các em đạt được kết quả cao hơn. Quy chế năm nay đăng ký nguyện vọng không hạn chế, do đó, khi biết điểm rồi, các em có xu hướng dồn vào đăng ký các trường top trên, vào những ngành “hot”, trong khi chỉ tiêu lại vẫn giữ nguyên. Hai lý do trên khiến điểm tăng lên, cạnh tranh khốc liệt ở một số ngành và trường top đầu.

Hàng loạt tiêu chí phụ

Tại ĐH Y Hà Nội, ngoài việc phải đạt điểm thi cao chót vót, thí sinh còn phải vượt qua 4 vòng tiêu chí phụ gồm điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm toán, điểm sinh, thứ tự nguyện vọng. Theo đó, để đỗ vào ngành Y đa khoa, thí sinh không chỉ phải đạt mức điểm thấp nhất là 29,25 điểm mà còn phải đáp ứng đồng thời bốn tiêu chí khác, gồm tổng điểm ba môn đạt từ 29,2 điểm trở lên; có điểm môn Toán đạt từ 9,2 điểm trở lên; điểm môn Sinh học đạt từ 9,25 điểm trở lên; nguyện vọng đăng ký là nguyện vọng một. Không chỉ riêng ngành Y đa khoa mà tất cả các ngành khác của trường đều phải quy định hệ thống bốn tiêu chí phụ. Đây cũng là năm đầu tiên ĐH Y Hà Nội phải kèm theo rất nhiều tiêu chí phụ.

Tương tự, tại tại Học viện An ninh nhân dân, ngành nghiệp vụ an ninh, nam, điểm chuẩn là 25,5 điểm. Tuy nhiên, có 29 thí sinh cùng mức 25,5 trong khi trường chỉ lấy 4 thí sinh ở mức điểm này là đủ chỉ tiêu. Vì thế, trường buộc phải đặt tiêu chí phụ để lọc lấy 4 thí sinh, gồm 3 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn là 25,05 điểm và một thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn 24, 95 và môn Văn đạt 8,25 điểm.

Hàng loạt trường đại học khác như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Phòng cháy chữa cháy… cũng phải kèm theo ba tiêu chí phụ bên cạnh điểm chuẩn. Theo ông Kiều Xuân Thực- Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội, đây là lần đầu tiên trường buộc phải áp dụng tiêu chí phụ.

Chia sẻ về việc dùng tiêu chí phụ, ông Kiều Xuân Thực cho rằng, điều này không hẳn là công bằng với các thí sinh khác vì tiêu chí phụ không cho thấy rõ được sự khác biệt về năng lực của thí sinh. Cụ thể cùng số điểm nhưng khác về số thứ tự nguyện vọng thì rõ ràng đây không phải là cạnh tranh về năng lực.

Về vấn đề này, PGS Lê Hữu Lập- Nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng do điểm thi năm nay quá cao, rất khó cho các trường trong xác định điểm chuẩn sao cho vừa đủ chỉ tiêu và chúng tôi buộc phải dùng tiêu chí phụ. Chưa năm nào điểm của thí sinh lại ngang nhau nhiều như năm nay và điều đó cho thấy sự phân hóa thí sinh của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chưa tốt, khó phân loại để chọn vào ĐH.

Các trường có quyền tự chủ trong tuyển sinh và trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đã có đề án riêng, tách hẳn khỏi kỳ thi THTP quốc gia, có trường chỉ xem kết quả thi như một yếu tố để xét tuyển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong năm tới, Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh về nội dung đề thi, tổ chức kỳ thi và cách tính điểm xét tuyển phù hợp, để các trường vừa có nguồn tuyển tốt, vừa không gây khó khăn cho thí sinh.

Theo ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nguyên nhân chính dẫn đến điểm cao là thay đổi hình thức thi. Hình thức thi trắc nghiệm chiếm phần lớn, nên các em đạt được kết quả cao hơn. Quy chế năm nay đăng ký nguyện vọng không hạn chế, do đó, khi biết điểm rồi, các em có xu hướng dồn vào đăng ký các trường top trên, vào những ngành “hot”, trong khi chỉ tiêu lại vẫn giữ nguyên. Hai lý do trên khiến điểm tăng lên, cạnh tranh khốc liệt ở một số ngành và trường top đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm chuẩn cao, khó phân loại thí sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO