Điểm chuẩn vào đại học dự đoán tăng

Minh Quang - Lam Nhi 15/07/2021 09:00

Hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2021 đang được các địa phương khẩn trương tiến hành. Theo dự báo của các trường, năm nay có thể điểm chuẩn sẽ tăng, dự kiến có ngành sẽ tăng “chạm trần” như tình huống 30 điểm mới đỗ đại học (ĐH) từng diễn ra trong năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng với mức độ của đề thi năm nay, điểm chuẩn các ngành tổ hợp môn Khoa học tự nhiên sẽ khó cao hơn năm ngoái. Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành khối Khoa học xã hội có thể sẽ cao hơn.

Điểm chuẩn các ngành Khoa học xã hội sẽ tăng

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên và chuyên gia tuyển sinh cho rằng điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay sẽ có xu hướng tăng do đề thi được nhận định ở mức độ vừa phải, không khó. Cụ thể, với khối ngành Khoa học xã hội, đề thi môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được đánh giá dễ hơn năm ngoái. Môn tiếng Anh cũng “dễ thở” với các thí sinh, trong khi môn Ngữ văn có đáp án và thang điểm chấm khá thoáng, đề tạo cảm hứng sáng tạo cho học sinh nên dự đoán có nhiều bài thi đạt điểm cao.

Từ đó, kéo theo điểm chuẩn vào trường ĐH của các ngành khối này sẽ tăng cao hơn so với năm 2020, tất nhiên tùy từng trường, từng ngành. Trong đó, đối với các ngành hot có lượng thí sinh đăng ký đông và mức độ cạnh tranh lớn, điểm chuẩn có thể chạm trần là điều có thể xảy ra như tình hình năm ngoái bởi đây là nơi hội tụ những thí sinh có điểm thi cao nhất cả nước. Tình huống ngành Hàn Quốc học của trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn tới 30 điểm khối C của năm ngoái cũng có thể lặp lại ở năm nay, với các khối ngành hot khác nếu như chỉ tiêu quá ít, lại đã ưu tiên xét tuyển bằng các phương thức khác như tuyển thẳng, tuyển bằng học bạ, kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ…

Đối với ngành xét tuyển bằng tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, đại diện nhiều trường cho rằng sẽ khó cao hơn năm ngoái. Bởi lẽ, môn Vật lý và Hóa học năm nay có độ khó gần như tương đương năm ngoái. Đề thi có khoảng 4 - 5 câu khó, trong đó có 2 câu rất khó để phân loại thí sinh nên muốn đạt điểm giỏi không dễ. Tương tự, đề toán cũng có 2 câu khó nên sẽ khó có cơn mưa điểm 10 nhưng điểm khá không phải là hiếm với hình thức thi trắc nghiệm hiện nay.

Trong bối cảnh các trường không chỉ có duy nhất một phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 mà bao gồm nhiều phương thức khác để hút thí sinh thì điểm chuẩn vào trường sẽ còn phụ thuộc vào việc có bao nhiêu thí sinh đã đăng ký và trúng tuyển vào trường bằng các phương thức khác.

Điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5 đến 3 điểm

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhìn nhận, với đề thi tốt nghiệp THPT 2021 và tình hình tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn sẽ cao hơn so với năm ngoái. Lý do điểm chuẩn 2021 tăng, theo ông Sơn là do chỉ tiêu xét tuyển từ thi tốt nghiệp THPT đã giảm đi rất nhiều với năm ngoái. Nhiều trường ĐH có từ 5-6 phương thức tuyển sinh, trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ chiếm khoảng 60% hoặc 70% tổng chỉ tiêu. Do vậy, số chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp không còn nhiều nữa. Ông Sơn dự đoán, so với năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển các khối sẽ tăng từ 0,5 - 3,5 điểm. Trong đó, điểm chuẩn khối A00 và khối D01 sẽ tăng nhiều nhất ở các ngành như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Marketing,... Điểm chuẩn khối B00 có thể tăng từ 0,5 điểm tới 2,5 điểm cho các ngành Y đa khoa, Dược học, Công nghệ sinh học,... Điểm chuẩn khối C00 có thể tăng từ 1 điểm tới 3 điểm ở các ngành như Báo chí, Luật, Du lịch...

Kinh nghiệm của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM là điểm chuẩn cụ thể còn phụ thuộc vào chất lượng thí sinh và tình hình thí sinh nhập học thực tế bằng các phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển. Năm ngoái trường dành 50% chỉ tiêu xét điểm học bạ nhưng tỷ lệ nhập học thực tế chỉ đạt khoảng 25%, do vậy chỉ tiêu xét điểm thi tăng lên vào phút cuối, dẫn đến điểm chuẩn giảm. Năm nay thí sinh nhập học bằng học bạ dự kiến nhiều hơn với khoảng 30 - 35%. Như vậy, mức độ cạnh tranh của thí sinh xét tuyển bằng điểm thi cũng cao hơn vì chỉ tiêu phương thức này thấp hơn trong khi tổng số nguyện vọng đăng ký lại cao hơn.

Năm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM tuyển 3.530 chỉ tiêu nhưng chỉ có khoảng 1.155 chỉ tiêu cho phương thức xét tốt nghiệp, còn lại xét tuyển từ 5 phương thức khác.

Trường ĐH Kinh tế TP HCM, tuyển 6.250 chỉ tiêu nhưng chỉ xét 1.170 chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp; 4.680 chỉ tiêu tuyển theo phương thức khác, trong đó chủ yếu xét học bạ.

Phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh cũng cho thấy, dựa theo xu hướng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên trong 3 năm qua, đa số thí sinh tập trung vào nhóm ngành Kỹ thuật - công nghệ như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học, Hóa học, Kỹ thuật điện tử - viễn thông còn các ngành Khoa học thì ít được quan tâm hơn. Vì lẽ này, điểm chuẩn ĐH 2021 sẽ cao và rất cao ở nhóm ngành Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học, Hóa học, Kỹ thuật điện tử - viễn thông. Riêng các nhóm còn lại chỉ bằng hoặc hơn ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng một chút.

Đây là những cơ sở quan trọng để thí sinh dự đoán xu hướng điểm chuẩn năm nay vào trường mình đã đăng ký xét tuyển. Sắp tới, thí sinh còn được thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT nên đây chính là thời gian vàng để các em và gia đình nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin về các trường, khoa, ngành để lựa chọn đúng và trúng với nguyện vọng sở thích, năng lực. Có thể cân nhắc các phương thức khác bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để nắm chắc cơ hội vào trường mình mong muốn.

Đảm bảo công bằng, chính xác trong quá trình chấm thi

Qua kiểm tra thực tế tại phòng chấm thi tự luận, trắc nghiệm, phòng làm phách, trao đổi với tổ trưởng tổ chấm, cán bộ chấm thi... 2 tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được cả xã hội quan tâm, kỳ vọng vì có tính chất quan trọng không chỉ để xét tốt nghiệp sau 12 năm học mà còn là còn dùng xét tuyển vào trường ĐH. Do đó các khâu của Kỳ thi trong đó khâu chấm thi cần được thực hiện công bằng, khách quan, trung thực, đảm bảo quyền lợi của thí sinh sau 12 năm học tập.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Quy chế thi của Bộ hướng dẫn về quy trình chấm thi ngày càng chi tiết, phức tạp, bởi áp dụng trên quy mô toàn quốc và để hạn chế tỉ lệ nhỏ nhất sai sót trong quá trình chấm thi. Do đó các địa phương cần căn cứ triệt để đảm bảo đúng đủ trong quá trình chấm thi, hạn chế tối đa sai sót. Mặt khác các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm các năm về quá trình chấm thi để làm tốt hơn nữa khâu này. Đề nghị Ban chỉ đạo thi các địa phương cần động viên các thầy cô giáo làm công tác chấm thi làm việc trong bối cảnh nắng nóng, dịch bệnh... Tuy nhiên cũng cần xác định tới các thầy cô đây không chỉ là nhiệm vụ, quyền mà còn là trách nhiệm của các thầy cô để có kết qua thi phản ánh trung thực học lực của thí sinh, mặt bằng chất lượng dạy học các địa phương, và đặc biệt tạo công bằng cho các thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm chuẩn vào đại học dự đoán tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO