Điềm Phùng Thị - một ‘tạo hóa’ trong điêu khắc

PHÙNG VĂN KHAI 07/05/2022 06:18

Điềm Phùng Thị (tên thật là Phùng Thị Cúc) là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong Từ điển Larousse: Nghệ thuật thế kỷ XX; một nhà danh họa trong nghệ thuật điêu khắc, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Điềm Phùng Thị sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, ven đô Huế. Quê nội bà ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là con cụ ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc xây Lăng Khải Định.

Mồ côi mẹ từ lúc ba tuổi, bà theo cha sống ở Tây Nguyên. Sáu tuổi đã theo cha sống khắp các tỉnh vùng cao nguyên trung phần ròng rã chín năm, rồi mới về Huế học tiểu học.

Năm 1946, tốt nghiệp nha khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cho kháng chiến. Vì một cơn bạo bệnh, Phùng Thị Cúc được đưa sang Pháp điều trị. Tại Pháp sau khi khỏi bệnh, Phùng Thị Cúc tiếp tục học và tốt nghiệp tiến sĩ nha khoa của Pháp, từ đây bà kết hôn với người đồng nghiệp (ông Bửu Điềm). Nghệ danh Điềm Phùng Thị ra đời từ đó.

Mãi đến năm ba mươi tuổi, bà mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Vào năm bốn mươi sáu tuổi, bà có cuộc triển lãm đầu tiên và sự đón nhận nồng hậu của công chúng Pháp đã khiến bà trở thành nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị. Rồi liên tục sau đó là hàng chục cuộc triển lãm quy mô của Điềm Phùng Thị được tổ chức khắp các nước Pháp và Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ... 36 tượng đài của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi của Điềm Phùng Thị đã nổi danh khắp châu Âu.

Một góc Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở Huế.

Giáo sư Mady Ménier - Đại học Paris I đã nhận xét tâm huyết về Điềm Phùng Thị: “Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng - trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris - giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris... Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo...”.

Cái độc đáo riêng biệt của Điềm Phùng Thị là việc bà sáng tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 modules hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự. Còn giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc. 7 chữ cái ấy tiền thân là những mẫu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Những mẫu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang... ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của Điềm Phùng Thị.

Từ trong đống những mẫu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Từ hình người chấp tay, thêm vào mấy modules thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa... Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàng hình tượng: Thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông...

Năm 1991, bà cùng với Ziao Wou Ki - họa sĩ trừu tượng nổi tiếng người Trung Quốc, là 2 nghệ sĩ được đứng vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong Từ điển Larousse. Năm 1992, Điềm Phùng Thị được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu.

Những năm cuối đời, bà về nước nhiều lần và tổ chức các cuộc triển lãm tại thủ đô Hà Nội, Huế, TP HCM. Tháng 2/1994, Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (với 175 tác phẩm) đã khánh thành tại biệt thự số 1 - Phan Bội Châu - Huế. Giới văn nghệ sĩ trong nước đã xem đó là một sự kiện trọng đại của nghệ thuật Việt Nam. Như đoán trước ngày ra đi, ở tuổi 81, bà công bố tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho thành phố Huế.

Ngày 29/1/2002, bà mất tại Thừa Thiên - Huế.

Nhà phê bình mỹ thuật Raymond Cogniat từng viết: “Bản lĩnh mà chị thể hiện trong hoạt động sáng tạo, luôn đổi mới bằng một nghệ thuật gồm nhiều thành tố phức hợp, và tạo ra những hình tượng rất đa dạng. Không còn nghi ngờ chính do nguồn gốc sinh thành của chị là Việt Nam mà chị có được cái giác quan, thoạt nhìn tưởng như bẩm sinh, đã giúp chị phát minh những ký hiệu mà ở chị nó trở thành một ngôn ngữ về hình tượng. Và không phải là một hiện tượng ít đáng kinh ngạc, khi ta nhận ra nguồn cảm hứng đồ họa chuyển thành hình khối, và vẫn giữ được cái đẹp của nghệ thuật ký tự và nghệ thuật điêu khắc”.

Nhà thơ Tố Hữu nhận xét: “Tôi thật lòng bàng hoàng mà nhận những cảm xúc vừa trừu tượng vừa cụ thể về cuộc sống và những con người, với muôn vàn vẻ đẹp kỳ diệu của một nghệ thuật, vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại, cả Đông và Tây. Điềm Phùng Thị có thể được xem là một “tạo hóa” trong điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật, mà cả cho mọi lĩnh vực tư duy”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về bà năm 1995: “Hình như những nghệ sĩ lớn đều được sinh ra để tạo dựng nên một thế giới riêng, ở đó mọi người đều có thể rong chơi như một đứa bé, và ngạc nhiên gặp lại những vật quen thuộc hàng ngày bỗng hiện ra với ánh sáng lạ thường. Thế giới Điềm Phùng Thị là như thế, đối với tôi. Những hình tượng do bà sáng tạo nên, tưởng là rất dễ dàng, tưởng là không cần tốn sức để tìm kiếm, nhưng đồng thời chúng lại bật ra một tiếng nói sâu thẳm và mạnh mẽ kỳ lạ.

Vậy thì, chính sự giản dị là sức mạnh của ngôn ngữ tạo hình của Điềm Phùng Thị. Bằng cửa ngõ nào không biết, Điềm Phùng Thị đã dẫn dắt nghệ thuật của mình qua những nẻo đường tâm linh của phương Đông. Kinh dịch định nghĩa rằng giản dị là đức của Trời và Đất, dễ dàng mà tạo ra được sức chuyển động, không cầu kỳ mà tác thành nên vạn vật. Cái đẹp của mới lạ là tinh hoa của thế giới, còn cái giản dị là sự quay về với bản chất của vũ trụ.

Và như người ta thấy, đức giản dị là nhất quán trong ngôn ngữ tạo hình của Điềm Phùng Thị, từ hình khối vạm vỡ của tác phẩm Trái đất (La Terre), modules đơn giản như bảy chữ cái từ đó tác giả có thể phát biểu mọi suy tưởng.

Phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại, nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã chứng tỏ khả năng siêu ngôn ngữ để truyền đạt những thông diệp của nhà nghệ sĩ đến mọi người và ở mọi nơi”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê với sự tri ân:

“Huế một chiều mưa nhẹ, 24 tháng 3 năm 1994,

Từ lúc gặp chị là bác sĩ nha khoa “hóa thân” thành nhà điêu khắc đến nay cũng được gần một phần tư thế kỷ. Lúc ấy thế giới bên phương Tây mới bắt đầu biết chị và khi thấy bảy mô hình chị sáng tạo, tôi đã nghĩ rằng 7 mô hình ấy như 7 nốt nhạc để cho người nhạc sĩ lấy đó mà tạo thành nhạc khúc. Thế giới đã đón chị, hoan nghênh chị, bao nhiêu danh vọng từ bốn phương không làm chị “say danh say lợi” mà lúc nào cũng để lòng chị “say tình dân tộc”.

Quả thực, nghệ thuật đích thực giúp con người cảm nhận thế giới bằng góc nhìn riêng, khám phá ra những điều con người chưa thấy được. Thật sung sướng và hạnh phúc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, bề ngoài thật đơn sơ nhưng bên trong ẩn chứa toàn bộ sự phong phú và hài hòa của thế giới thông qua tác phẩm của Điềm Phùng Thị.

Nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị không hề xa lạ với nghệ thuật dân tộc. Nhưng Điềm Phùng Thị cũng không dừng lại ở truyền thống. Thông thường mỗi người nghệ sĩ đưa tác phẩm vào đời là nhằm đối thoại với công chúng nghệ thuật của mình về một lối cảm, một lối nghĩ, một lối sống, với mong muốn được tán thưởng, được chấp nhận và xu hướng theo. Nhưng Điềm Phùng Thị không yêu cầu công chúng nghệ thuật của mình dừng lại ở mức độ cảm nhận hay thức nhận. Bà đánh thức ở họ cái tư duy sáng tạo vốn tiềm ẩn trong mỗi người và trao cho họ các phương sách để mỗi người tự mình thể nghiệm mà bộc lộ cái năng lực sáng tạo của mình.

Đó cũng là niềm tự hào của giới điêu khắc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điềm Phùng Thị - một ‘tạo hóa’ trong điêu khắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO