Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) không tránh được tình trạng thua lỗ như phần lớn các công ty, tập đoàn thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam Lê Quang Trung, điểm sáng của ngành hàng hải đang là lĩnh vực khai thác cảng biển.
PV: Thưa ông, ngành hàng hải vốn chưa hết khó khăn bởi suy thoái sâu và kéo dài hơn 10 năm qua, vừa qua lại tiếp tục đối mặt với dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực vượt khó trong thời gian qua của ngành và điểm sáng của ngành hiện nay là lĩnh vực gì?
Ông Lê Quang Trung: Với tư cách là tổng công ty nhà nước hoạt động trên 3 trụ cột chính: Quản lý và khai thác hệ thống cảng biển, dịch vụ vận tải biển, và logistics. Thực tế Tổng Công ty Hàng hải có cơ sở, điểm mạnh về hạ tầng. Nhưng điểm mạnh đó cũng chính là những bất lợi trong giai đoạn Covid-19 hiện nay. Chúng tôi hiện đang rơi vào tình cảnh không khác gì Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), nếu hàng không có thể nhìn thấy ảnh hưởng trực tiếp tới con người, thì hàng hải là chạy quốc tế, mà chuỗi quốc tế lại đang đứt gãy, do đó ảnh hưởng là cực kỳ nặng nề.
Chúng tôi đang hết sức cố gắng trong điều kiện hiện nay. Có thể nói điểm sáng của Tổng Công ty là phối hợp với các tập đoàn trong lĩnh vực khai thác cảng biển hiện nay. Trong 9 tháng Tổng Công ty đạt sản lượng 83,4 triệu tấn, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng như lợi nhuận của khối cảng đạt 1.040 tỷ, bằng 117% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm sáng này ngoài sự hỗ trợ từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quyết tâm của cán bộ công nhân viên Tổng Công ty, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ từ một số tập đoàn, doanh nghiệp như: Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam có hợp tác mạnh liên quan đến cảng trong xuất khẩu. Theo tôi, sự phối hợp của các tập đoàn, tổng công ty là rất cần thiết. Đây là lời kêu gọi, để làm sao cơ chế hợp tác này phải được triển khai một cách thực tế và sâu rộng hơn nữa.
Nói tới ngành hàng hải, không thể không nhắc đến lĩnh vực logistics. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển logistics của ngành hàng hải những năm qua?
-Tôi cho rằng, những hạn chế giai đoạn vừa qua trước hết nằm ở hạ tầng logistics, khi hạ tầng có phát triển nhưng chưa tổng thể, tính kết nối chưa cao. Thứ hai là hạn chế áp dụng công nghệ trong môi trường cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cải tiến chất lượng dịch vụ, giảm chi phí. Thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực. Những năm qua, dù nguồn nhân lực ngành logistics được phát triển, đào tạo bài bản hơn nhưng trong các ngành về khai thác cảng, kho bãi… vẫn cần tăng cường chất lượng hơn nữa.
Được biết, năm 2020, Tổng công ty dự kiến thua lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do rất nhiều nguyên nhân. Vậy Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đưa ra giải pháp gì để lành mạnh hoá tình hình tài chính, đặc biệt là khi Tổng Công ty chính thức chuyển sang Công ty Cổ phần?
-Về vấn đề tài chính, Tổng Công ty chính thức chuyển sang Công ty Cổ phần từ 18/8/2020. Thời gian qua Tổng Công ty tập trung xử lý các khoản nợ kéo dài, tài sản các dự án tồn đọng, thiếu hiệu quả để lành mạnh hoá tình hình tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm và có thể công tác quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang Công ty Cổ phần bị kéo dài. Thứ 2 là công tác tái cơ cấu nợ, các tồn tại rất lớn về công tác tái cơ cấu tài chính. Trong xử lý tài chính tái cơ cấu nợ, đối với Tổng Công ty Hàng hải có một số cảng liên doanh. Mỗi cảng đầu tư từ 100-150 triệu USD, nếu bình thường cảng sẽ lỗ theo kế hoạch, nhưng trong tình hình hiện nay thì đây là gánh nặng.
Bên cạnh gánh nặng tài chính, liên quan đến giá cả, hiện nay do vấn đề giá sàn bốc xếp của chúng ta đang quá thấp do cạnh tranh. Cái này liên quan đến cơ chế chính sách. Chúng tôi đang cùng với các đơn vị cảng, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua Bộ GTVT để điều chỉnh thông tư 54 để nâng giá sàn bốc xếp. Chỉ có nâng giá sàn thì hiệu quả kinh doanh mới có phần được bù đắp lỗ về sản xuất kinh doanh suốt thời gian qua. Bởi thực tế, các hãng tàu nước ngoài đang hưởng lợi vì họ thu THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng), mà THC vào họ chỉ trả một phần tiền nâng hạng. Mà tiền nâng hạng ở Việt Nam còn thấp hơn ở Singapore, thậm chí thấp hơn cả Campuchia, chỉ bằng khoảng 30-40%. Đó là vấn đề bất cập.
Tiếp theo là tài sản và công nợ tồn đọng cũng là vấn đề lớn, như tồn đọng ở dự án Lạch Huyện, dự án Vân Phong và một số khoản nợ xấu cần phải xử lý. Đó là những vấn đề rất khó khăn của Tổng Công ty Hàng hải.
Với những khó khăn trên, ông có kiến nghị gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới?
-Chúng tôi mong Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét hỗ trợ xử lý khó khăn liên quan tới vấn đề về tài chính, tái cơ cấu nợ, xử lý nợ xấu. Thứ hai, xem xét loại trừ ảnh hưởng của dịch bệnh đến các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng Công ty. Do ảnh hưởng nên trong 2 mục đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp cũng như xác định quỹ lương được xem xét. Bên cạnh đó, Uỷ ban xem xét cân nhắc khi phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025, đăc biệt kế hoạch 2021 trong bối cảnh dịch bệnh dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng và còn kéo dài trên thế giới. Cuối cùng là cơ chế hỗ trợ, đó là sự phối hợp giữa các tập đoàn, tổng công ty.
Chúng tôi rất mong nhận được cơ chế hỗ trợ cho các tổng công ty, tập đoàn. Vì gần như tập đoàn nào cũng cần chuỗi logistics, chuỗi vận tải. Trong điều kiện hiện tại, Chính phủ rất cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho đội tàu cũng như các nhà logistics Việt Nam được giành một phần hàng hóa, ví dụ 20-30% lượng hàng XNK dành cho đội tàu của Việt Nam. Đồng thời dùng tổ chức đấu thầu trong nước thay vì đấu thầu quốc tế vì đấu thầu quốc tế thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp và không trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn, tôi kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty cùng sát cánh, hỗ trợ bên nhau trong các dịch vụ, sử dụng chung dịch vụ của nhau. Đó là giải pháp căn cốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược
Từ 1/9/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với thương hiệu mới VIMC (Vietnam Maritime Corporation). Khẳng định lại sứ mệnh của mình, VIMC nhấn mạnh sẽ không ngừng nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trên bản đồ hàng hải thế giới, đóng góp cho Tổ quốc thêm thịnh vượng từ biển. Với mục tiêu giữ vững vị trí số 1 trong việc cung cấp chuỗi giải pháp dịch vụ logistics trọn gói toàn cầu tại Việt Nam, VIMC cam kết mang đến khách hàng những giá trị vượt trội và mở rộng cơ hội tiếp cận, giao thương.
* Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020. Đây là báo cáo tài chính đầu tiên của đơn vị này sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Cụ thể, báo cáo cho thấy, quý 3/2020 doanh thu thuần của VIMC đạt hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 7%, lợi nhuận gộp 415 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019, lỗ sau thuế hơn 73 tỷ đồng. Một dấu hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh của VIMC trong quý 3/2020 là hoạt động liên doanh, liên kết với các công ty đã mang về cho VIMC số lãi hơn 47 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2019, hoạt động này khiến Tổng công ty Hàng hải VN lỗ hơn 14 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt hơn 7.300 tỷ đồng, giảm 11%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của VIMC vẫn trở thành “điểm sáng” khi đạt hơn 60 tỷ đồng so với mức lỗ 255 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.