Điểm sáng logistics

QUỐC ĐỊNH 23/08/2021 06:20

Trong đại dịch Covid-19, thống kê cho thấy, thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm đang hoạt động mạnh đã giúp cho logistics và công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn so với các lĩnh vực khác.

Từ vài tháng nay, nhiều tỉnh, thành phố liên tục giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch, khiến người tiêu dùng thường ở trong nhà suốt nhiều ngày và chuyển sang các giao dịch trực tuyến.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của Tập đoàn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) cho rằng: “Covid-19 đem lại những thay đổi đáng lo ngại cho cuộc sống và kinh tế, mặt khác nó cũng đã mở ra một cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thương mại điện tử”.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), với nền tảng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh và mạng 4G, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD.

Bà Trang Bùi chia sẻ, “Sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường BĐS hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất”. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình 3 vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dọc xuyên suốt đất nước. Với tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê đến qúy 2/2021 lần lượt tại miền Bắc là 9.700 ha; miền Trung là 6.600 ha; và miền Nam là 25.200 ha. Các chuyên gia kinh tế nhận định, sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định.

Trong khi đó, các lĩnh vực như thực phẩm ăn uống (FMCG), thương mại điện tử, dược phẩm và kho lạnh sẽ có nhiều nhu cầu thuê mua không gian kho bãi bổ sung cạnh các khu đô thị. Mặt khác, một số lĩnh vực như ô tô, máy móc hạng nặng và hóa chất, có thể tìm kiếm những hợp đồng cho thuê ngắn hạn xa khu vực trung tâm.

Nghiên cứu của JLL cho thấy, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận thị trường logistics và công nghiệp này ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng logistics

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO