Điểm sáng nông thôn mới ở Ninh Thuận

C.Thứ 17/09/2021 08:22

Nhiều con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa phẳng lì; ánh đèn đường rực sáng thâu đêm; những ngôi trường khang trang sạch đẹp được dựng xây; hệ thống trạm y tế cơ sở được đầu tư bài bản, sẵn sàng chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân… Đó là diện mạo nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận.

Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Nhìn lại chặng đường khoảng 10 năm về trước, do xuất phát điểm thấp, nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn khó khăn. Được Đảng và Nhà nước quan tâm với các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào ngày một đi lên.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số ước đạt hơn 2.842 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (không tính lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) bình quân/xã tăng gấp 6,55 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Tại khu vực nông thôn vùng đồng bào ở Ninh Thuận, hiện 100% xã có trạm y tế, trường trung học cơ sở; 100% thôn có điện lưới quốc gia và trên 99% số hộ sử dụng điện thắp sáng; tỷ lệ hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm từ 3 - 4% (trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5-6%/năm); tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 10%/năm.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Ninh Hải và Ninh Phước (nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống). Toàn tỉnh có 16/37 xã đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 11 xã vùng đồng bào Chăm và 5 xã vùng đồng bào Raglai.

Tại huyện miền núi Bác Ái (trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống), nhờ thụ hưởng chính sách 30 của Chính phủ; đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị ở địa phương nên Bác Ái cũng đang từng ngày thay da, đổi thịt. Hầu hết hợp phần như: Điện; đường; trường; trạm y tế; nước sinh hoạt… đều được đầu tư xây dựng bài bản, bao phủ tới tận các thôn, bản.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bác Ái, sau khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tăng gần gấp 3,5 lần, đạt trung bình mỗi xã hơn 10 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, tiệm cận với khu vực đô thị, tỉnh dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 4.165 tỷ đồng, bao gồm cả vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế, vốn huy động từ người dân và cộng đồng.

Từ nguồn lực trên, tỉnh sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng nông thôn mới ở Ninh Thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO