Những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Nhưng thực tế, vẫn còn những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại, thậm chí trở thành nạn nhân của buôn bán người. Để khắc phục tình trạng này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức truyền thông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em hiệu quả.
“An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn làm chủ đề hoạt động tập trung, xuyên suốt của các cấp Hội từ năm 2019 đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu của thực tiễn, mong đợi của xã hội. Qua gần một năm đi vào hoạt động, các nội dung về an toàn đã được triển khai bằng nhiều hình thức, tập trung nguồn lực, gắn với triển khai nhiệm vụ công tác Hội, đặc biệt là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Các nội dung an toàn được các địa phương lựa chọn, chú trọng phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn tại cơ sở như phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại, an toàn giao thông, an toàn nơi công cộng, an toàn thực phẩm, an toàn về kinh tế, tín dụng, an toàn trong không gian mạng...
Các nội dung khó đã được đầu tư quyết liệt như lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em; nhiều mô hình có hiệu quả được xây dựng, nhân rộng. Trong đó, Trung ương Hội đã thực hiện thí điểm mô hình Thành phố an toàn tại Đà Nẵng, mô hình Làng quê an toàn tại Thanh Hóa, Tuyên Quang, Kiên Giang với những nội dung thiết thực như an toàn trên xe bus, thắp sáng đường làng, an toàn thực phẩm...
Để thực hiện mô hình này, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện. Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết, từ mô hình đã có hơn 8.000 người dân (40% là nam giới) tại 11 xã, phường của quận Hải Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với mô hình “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng”.
Còn tại Tuyên Quang, địa phương cũng đã xây dựng thành công mô hình “Làng quê an toàn” tại Chi hội phụ nữ thôn 2, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang. Chị Phan Thị Hiển, Chủ tịch Hội LHPN xã Lưỡng Vượng cho biết, mô hình có 70 thành viên là các cán bộ, hội viên, đoàn viên phụ nữ của các tổ chức đoàn thể và các hộ tiêu biểu trong thôn có nguyện vọng tham gia. Mô hình hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác dưới sự quản lý của Hội LHPN xã, định kỳ sinh hoạt 1 lần/tháng tại nhà văn hóa thôn theo từng chuyên đề.
Chia sẻ thành công khi thực hiện các mô hình bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết, chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được các cấp Hội tập trung thực hiện xuyên suốt. Trong đó, năm 2020 ưu tiên nội dung trọng tâm về phòng chống xâm hại trẻ em, an toàn cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh hoạt động nắm bắt, phát hiện, lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường công tác tham mưu đề xuất chính sách, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em.
“Với những việc làm quyết liệt trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em của các cấp Hội cũng như của các bộ, ngành thì việc tạo ra một môi trường sống lành mạnh, an toàn sẽ được xây dựng, triển khai và tạo lập tốt nhất” - bà Mai kỳ vọng.