Điểm vào đại học

Diệu Ngọc 22/09/2022 06:39

Trước thông tin phản ánh có trường hợp thí sinh khi truy cập vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác nhận nhập học đã bất ngờ thấy hiển thị trúng tuyển hàng loạt nguyện vọng. Ngược lại, cũng có thí sinh hốt hoảng khi hệ thống báo trượt hàng loạt nguyện vọng, dù đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phần mềm xét tuyển năm nay, nếu không tính đến việc thí sinh có sơ suất khi đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng, thì hệ thống mới chỉ ghi nhận một lỗi hiển thị thông tin và Bộ đã khắc phục xong.

Nếu đúng như vậy thì cũng không có gì lớn khi đã được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, thí sinh dự thi đại học năm nay vẫn lo lắng, vì biết đâu “bỗng dưng bị trượt” bởi hệ thống chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hiển thị kết quả rành rành ra đó.

Nói chung, việc thí sinh ảo nhiều, lọc ảo và hiển thị kết quả thi thiếu chính xác có nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm của Bộ chủ quản dù ít dù nhiều thì cũng đã rõ ràng.

Ở đây, xin được bàn tới một việc khác, đó là điểm tuyển vào đại học năm học này.

Ngày 24/7, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra dự báo về điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng qua phổ điểm thi tốt nghiệp THPT với nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyển. Theo đó, phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26 điểm. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn có thể sẽ giảm. Tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm không có biến động lớn. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội còn cho rằng phổ điểm về cơ bản đẹp và thuận lợi cho các em xét tuyển ở tất cả các tổ hợp.

Tuy nhiên, kể từ sáng 15/9, nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp hoặc có sử dụng kết quả thi này trong xét tuyển; thì điểm số đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ví dụ: Điểm chuẩn cao nhất vào Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội), là 28,25 điểm. Điểm chuẩn ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), dao động từ 22 đến 29,15 điểm. Trong đó, Công nghệ thông tin là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất. Tiếp đến là ngành Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản - 27,5 điểm. 2 ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khóa học máy tính đều có mức điểm 27,25. ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngành lấy điểm cao nhất là Y khoa, 27,3 điểm...

Điểm cao nhất có lẽ thuộc ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): ngành Đông phương học, Hàn Quốc học và Quan hệ công chúng khối C00 có mức điểm chuẩn lên tới 29,95 điểm. Ngành Báo chí còn cao hơn: 29,9 điểm.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH lại lấy điểm thấp, theo kiểu “hạ chuẩn”. Có thể nêu ví dụ: Điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT của ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) ở mức 17 đến 18 điểm theo từng ngành. ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH), ngành Dược học có điểm chuẩn là 21 điểm; các ngành còn lại của trường có điểm chuẩn 17-18 điểm. ĐH Gia Định, ngành Công nghệ thông tin lấy 15,5 điểm. 16 ngành còn lại lấy 15 điểm. ĐH Công nghệ Miền Đông ngành lấy mức chuẩn cao nhất là Dược: 21 điểm. Các ngành còn lại đều lấy điểm chuẩn 15.

Thi (hoặc xét tuyển) vào ĐH năm nào cũng là công việc khó khăn. Không chỉ là “cửa ải” đối với người học mà còn “mệt mỏi” đối với từng trường. Vì thế, các phương án thi, xét tuyển ĐH luôn nhận được nhiều ý kiến. Ngoài các trường “hot” thì phần lớn các trường còn lại đều mong được đón người học càng nhiều càng tốt. Vì thế, việc “hạ chuẩn”, có nghĩa là hạ điểm đầu vào lâu nay đã không còn lạ.

Nhìn vào điểm xét tuyển có thể thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các trường ĐH, trong khi chỉ cần 0,5 điểm thôi cũng đã trúng hoặc trượt. Đằng này, chênh nhau từ 10 đến 15 điểm giữa các trường tốp trên và tốp dưới thì mới thấy khoảng cách quá lớn. Từ đó dẫn tới việc chất lượng sinh viên khi ra trường cũng khó tránh được chênh lệch.

Riêng với những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông điểm số cao, có thể nói là “kịch khung”, rất mừng cho các em; nhất là năm học vừa rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà vẫn đạt được kết quả học tập đáng nể. Và cũng mong rằng những năm học kế tiếp có thêm nhiều, thật nhiều học sinh có được kết quả ấy. Đồng thời cũng mong điểm chuẩn đầu vào của các trường ĐH ngày càng gần lại, không còn giãn cách quá xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm vào đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO