Điện ảnh 'sập nguồn' vì Covid-19

Minh Quân 23/04/2020 08:00

Cũng như nhiều ngành nghề khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điện ảnh Việt Nam nói chung và các nhà sản xuất, phát hành phim nói riêng đang phải đối mặt với một cơn khủng hoảng chưa từng có.

Điện ảnh 'sập nguồn' vì Covid-19

Các doanh nghiệp điện ảnh đang đối mặt với khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Trong tháng 3/2020, doanh thu của các phòng vé giảm 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí doanh thu phòng vé tháng 4 khả năng sẽ dừng lại ở con số 0. Theo thông tin từ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, trong tháng 3/2020 lượng vé bán ra đạt khoảng 1 triệu vé, chỉ bằng 1/5 tổng lượng vé so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại Công ty này đang phải chịu các khoản chi phí cố định như tiền lương (Công ty đang cố gắng đảm bảo đầy đủ lương cho nhân viên, không cắt giảm nhiều), tiền thuê mặt bằng (vẫn được nhận sự hỗ trợ từ các đối tác, tuy nhiên không nhiều). Ngoài ra, vẫn đảm bảo mọi chi phí để sẵn sàng cho ngày quay trở lại.

Cũng theo đại diện của CGV, trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, hiện các rạp chiếu phim của CGV đã và đang có những biện pháp để khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả. Đơn cử như doanh nghiệp đã làm việc với các chủ đầu tư cho thuê để xin miễn giảm chi phí mặt bằng trong thời gian đóng cửa cũng như thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Dự định chiếu lại những bộ phim “bom tấn” trước đây và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến chương trình thành viên để kích cầu khán giả quay trở lại rạp khi dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ các đơn vị phát hành phim phải “đóng băng” vì đại dịch Covid-19 mà các đơn vị sản xuất phim cũng dừng tất các dự án gây ra những tổn thất không hề nhỏ. Hiện nay việc sản xuất các phim cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn vì mỗi đoàn phim có biên chế từ một trăm đến vài trăm người, di chuyển quay phim ở nhiều bối cảnh nên không thể thực hiện trong thời gian dịch bệnh. Theo TS Ngô Phương Lan- Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: Điện ảnh là ngành không thể làm việc online (trực tuyến) mà phải ra hiện trường để thực hiện việc quay phim. Nếu trong chiến tranh khán giả vẫn có thể ra ra rạp xem phim và nhà làm phim vẫn dũng cảm quay phim trong lửa đạn thì trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bắt buộc phải ngồi yên nhưng vẫn phải trả những chi phí cố định hàng ngày.

Cũng theo bà Lan: Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ phá sản và đóng cửa hàng loạt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước và bảo vệ văn hóa dân tộc...Cùng với đó, việc rời lịch chiếu khá xa (sang đầu năm 2021) của nhiều bộ phim có thể dẫn tới tình trạng thưa vắng phim Việt tại các rạp trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là khi hết dịch, phim ngoại ồ ạt trở lại rạp. Từ đó, phim Việt tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả, cạnh tranh doanh thu với phim nước ngoài...

Có thể thấy, với những yếu tố đặc thù điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt với một cơn khủng hoảng chưa từng có. Nhằm tìm ra các giải pháp tình thế, mới đây Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thêm các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh rạp chiếu phim, sản xuất và phát hành phim. Trong đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ miễn thuế VAT năm 2020 đối với các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và các chi phí cố định vẫn phải gánh mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh. Hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2020 đối với các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh…

Cùng với những kiến nghị hỗ trợ về tài chính, dù đang rất khó khăn nhưng với các nhà làm phim hiện nay sức khỏe là vấn đề phải là ưu tiên số một. Theo các nhà làm phim đây cũng là dịp để hoàn thiện kịch bản cho những dự án đang phải tạm dừng, trau chuốt hậu kỳ, nâng cao chất lượng cho những bộ phim đã hoàn thành phần ghi hình. Trong đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng cho rằng, thời gian này là dịp để các nhà làm phim đẩy mạnh việc phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Bởi theo đạo diễn, khi xu hướng, nhu cầu và cách thức giải trí của khán giả thay đổi, các nhà sản xuất, phát hành cũng cần thay đổi tư duy, cách thức làm việc để tiếp cận khán giả, tạo nguồn thu để vượt qua giai đoạn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh 'sập nguồn' vì Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO