Điện ảnh Việt và thách thức thời 4.0

Hoàng Minh 11/09/2019 08:00

Nhằm đón đầu và chủ động áp dụng những thành quả, tiến bộ mà cuộc cách mạng 4.0 mang đến, ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh”.

Điện ảnh Việt và thách thức thời 4.0

Điện ảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách bởi sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Những lợi thế...

Tại Hội thảo, với sự tham gia của các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh với 25 tham luận đã làm rõ về những tác động, thuận lợi, thách thức khi ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) vào lĩnh vực điện ảnh…

Đánh giá về xu hướng phát hành và phổ biến phim của CMCN 4, theo ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Trong công nghệ điện ảnh 4.0, người xem có thể vừa là quan sát viên, vừa là người tham gia trực tiếp vào các sự kiện bên trong phim. Vì thế rạp chiếu phim không chỉ phải thay đổi về công nghệ mà còn phải thay đổi về kiến trúc cho phù hợp. Những rạp chiếu phim được xây dựng theo hình mẫu được số hóa, có thể gọi là một trong những công nghệ tạo nên công nghệ điện ảnh 4.0”.

Bên cạnh đó, việc phát hành phim cũng được áp dụng rộng rãi bởi công nghệ số như việc truyền trực tiếp phim từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim thông qua vệ tinh, việc số hóa để bảo vệ bản quyền của phim. Khán giả được tự do lựa chọn chương trình giải trí phù hợp với nhu cầu, sở thích, công việc, nơi cư trú của mình, mà không bắt gặp trở ngại nào... “Rõ ràng, công nghệ điện ảnh 4.0 đang tạo nên những thay đổi to lớn trong công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, cho dù công nghệ số hóa với sức mạnh vượt trội của các mẫu thức trong sản xuất, phát hành và phố biến phim, thì vai trò của con người, những nhà sáng tạo, những tác giả của mỗi bộ phim vẫn là lực lượng nòng cốt mà không một công nghệ nào có thể thay thế được. Mặc dù máy móc có thể dạy cách viết nhạc, sáng tác kịch bản, nhưng bộ óc con người luôn đứng sau “những cỗ máy sáng tạo” đó”- ông Đỗ Duy Anh nói.

Và thách thức

Bên cạnh những lợi thế mà CMCN 4 mang lại thì với một nền điện ảnh khá non trẻ như Việt Nam đang đứng trước vô vàn những thách thức. Bởi thực tế hiện nay nền điện ảnh Việt Nam hiện nay phần lớn chỉ nêu được “phần vỏ” của cuộc CMCN 4. Thực tế hiện nay Việt Nam vẫn chưa tập trung, chú trọng nhiều đến ưu và khuyết điểm hiện có trước những thách thức của nền công nghiệp điện ảnh 4.0. Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi được đặt ra, đó là thực trạng của nền điện ảnh nước nhà như thế nào trong nền công nghiệp điện ảnh 4.0? Quy trình điện ảnh nên phát triển theo hướng nào, áp dụng những công nghệ mới nào để đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của khán giả?

Trong đó, Ths Trần Anh Tuấn - Xưởng phim Én bạc, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận, ngày nay, khi mà nền công nghiệp điện ảnh thế giới đã bước sang giai đoạn 4.0 thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho các tác phẩm của mình. Một bộ phim “bom tấn” ngày nay không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí lớn, các diễn viên kinh nghiệm trong diễn xuất mà còn trông chờ vào kỹ xảo hình ảnh. Một bộ phim với chất lượng hình ảnh mượt, kỹ xảo đẹp và xuất sắc thì coi như bộ phim đã gần như giành chiến thắng.

Đồng quan điểm, TS Trần Quang Minh - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, với sự phát của ngành công nghiệp số ảnh hưởng trên toàn thế giới, thị trường Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong kiểm duyệt đặc biệt trên không gian mạng. Trong cộng đồng mạng, giới trẻ chiếm đa số, chắc chắn đây là thành phần sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất thông qua phim ảnh. Do đó, nếu không có định hướng cụ thể, hợp lý, rất dễ dẫn đến việc giới trẻ đi chệch hướng, xa rời các vấn đề của xã hội, chính trị, nhân văn, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các cơ quan chức năng, gia đình và cả xã hội cần chủ động kiểm soát giáo dục nhận thức, giúp giới trẻ tránh được những tác động không mong muốn này. Trên thực tế, truyền thông và giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được điều này.

Có thể thấy, CMCN 4 đang mang đến cho điện ảnh Việt cơ hội và cả những thách thức. CMCN 4 không thể đảo ngược, tạo cơ hội cho những nền điện ảnh chưa có nhiều thành tựu như Việt Nam “đi tắt đón đầu” ở tất cả các khâu trong quy trình như kịch bản, kỹ xảo, thiết kế mỹ thuật, quay phim, quảng cáo, phát hành… Nhưng để tiệm cận và làm chủ thành tựu khoa học công nghệ, đòi hỏi nhận thức của các cá nhân, cơ quan cần có sự thay đổi, cần tận dụng triệt CMCN 4. Ở đó, cần có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có khả năng sáng tạo nếu không sẽ bỏ lỡ lợi thế ưu việt mà khoa học công nghệ mạng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh Việt và thách thức thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO