Giải phóng Sài Gòn: Bộ phim hoành tráng, khó làm lại

Từ Khôi 30/04/2020 14:00

Sự kiện trọng đại giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước được nhiều tác phẩm văn học, phim tài liệu đề cập đến. Thế nhưng, đến nay vẫn chỉ có một bộ phim truyện điện ảnh làm về sự kiện này. Đó là bộ phim “Giải phóng Sài Gòn”- bộ phim được chuẩn bị và thực hiện trong 13 năm với những đại cảnh hoành tráng.

Giải phóng Sài Gòn: Bộ phim hoành tráng, khó làm lại

Cảnh trong phim Giải phóng Sài Gòn.

Đạo diễn của bộ phim Giải phóng Sài Gòn là Long Vân. Ông là một đạo diễn khá đặc biệt trong làng điện ảnh nước nhà. Tuy không được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng nhân dân cả nước không mấy ai không biết đến một vài bộ phim mà ông đạo diễn. Mà những bộ phim này đều liên quan đến Sài Gòn. Ví như: Biệt động Sài Gòn (4 tập); Hẹn gặp lại Sài Gòn; Người không mang họ. Những bộ phim này thu hút lượng người xem lớn. Năm 1985 bộ phim Biệt động Sài Gòn được công chiếu. Tính đến năm 2015, sau 30 năm công chiếu, bộ phim thu hút trên 10 triệu lượt người xem tại rạp, còn xem qua DVD, internet thì không tính.

Sau khi Bộ Tổng tham mưu xem xong bộ phim Biệt động Sài Gòn năm 1985, Đại tướng Lê Trọng Tấn nói với đoàn phim: “Còn một phim nữa các bạn phải làm, ấy là phim về giải phóng Sài Gòn, điều mà nhân dân cả nước đang mong đợi”. Thế nhưng, lúc đó đạo diễn Long Vân chưa thể làm gì được vì ông còn đang phải cùng đoàn làm phim gấp rút chuẩn bị thực hiện bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn - bộ phim truyện điện ảnh về Bác Hồ lúc trẻ - chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, để kịp công chiếu vào Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990.

Sau khi bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn thực hiện xong, đạo diễn Long Vân và ê kip sáng tác kịch bản gồm những cây bút lão luyện lại cùng ngồi với nhau bàn thảo. Đó là những nhà biên kịch: Hoàng Hà, Nguyễn Trần Thiết, Long Vân, Lê Đăng Thực, Vũ Văn Nha. Nhà văn nhà báo Hoàng Hà, vốn là “kho” lưu trữ về tư liệu mặt trận. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết từng theo sát Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn, nhà văn Vũ Văn Nha nguyên là một sỹ quan quân đội. Đạo diễn Lê Đăng Thực, đạo diễn Long Vân vốn tâm huyết với nghề và trải nghiệm nhiều trong chiến tranh.

Kịch bản đầu tiên được đưa ra xem xét là vào năm 1992. Nhưng lúc đó, Hội đồng xét duyệt chưa thấy đạt được chất lượng. Những nhà biên kịch tiếp tục làm việc. Song song với việc viết kịch bản là công tác chuẩn bị về kế hoạch, đạo cụ… Sau nhiều lần viết lại, chỉnh sửa, năm 2000 kịch bản của bộ phim được Bộ Văn hóa - Thông tin thông qua.

Độ dài bộ phim là 120 phút nhưng phải chuyển tải một lượng thông tin, sự kiện, nhân vật lớn. Nội dung phim bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột. Quân đội Việt Nam Cộng hòa một mặt cầu viện quân sự của Mỹ mặt khác tìm cách giữ phòng tuyến Huế, Đà Nẵng. Các trận đánh khác trong Chiến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều dữ dội, như trận đánh ở phòng tuyến Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông về Sài Gòn. Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi 5 mũi tiến công vào Sài Gòn. Cuối cùng buộc Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các đầu hàng vô điều kiện. Các sự kiện đều liên quan đến hàng chục nhân vật lịch sử khác như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Mười Cúc, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam Sáu Dân, đồng chí Lê Đức Thọ… và các nhân vật lịch sử phía Việt Nam Cộng hòa, đại sứ Mỹ…

Để thực hiện được những “ép phê” cảnh chiến tranh, bộ phim đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí, khí tài do Bộ Quốc phòng giúp đỡ. Theo lời đạo diễn Long Vân: bộ phim đã sử dụng 36 quả đạn cachiusa (giá trị 80 triệu đồng/quả. Tốn khoảng gần 3 tỷ đồng); 40 chiếc xe tăng; 4 máy bay trực thăng bay đi bay lại nhiều lần, 1.000 khẩu AR 15, 650 quả đạn pháo đã được bắn; 6 tấn thuốc nổ; 1 tấn thuốc khói; 1.000 bộ quần áo lính ngụy; 1.000 khẩu súng AR15; 20.000 lượt người tham gia các cảnh quay. Tổng mức đầu tư kinh phí cho bộ phim là 12,5 tỷ đồng. Số lượng lính trong các cảnh phim lên đến 2.000 người.

NSND quay phim Vũ Quốc Tuấn kể: Khi bắt đầu bấm máy, đoàn phim gặp không ít khó khăn: Bối cảnh thành phố Sài Gòn thay đổi nhiều, vì không có trường quay nên việc thực hiện những cảnh chiến đấu trong thành phố gặp không ít phiền toái. Nhiều cảnh quay với số lượng người đông, vũ khí, khí tài, xe tăng, máy bay ầm hết cả thành phố đều phải thông báo trước cho người dân được biết. Có những quả nổ đánh cách hai, ba cây số còn nghe thấy. Kể cả chi tiết nhỏ nhất là cắm lá cờ Việt Nam Cộng hòa lên nóc Dinh Độc lập, cho đến việc đưa xe tăng đến gần Lãnh sự Mỹ cũng phải xin phép, và thông báo trước cho người dân. Đặc biệt là du khách.

Còn đạo diễn Long Vân kể: Việc dàn cảnh đấu xe tăng giữa ta và địch 40 chiếc trong một bối cảnh hẹp lại “nhung nhúc” binh lính rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, đoàn làm phim đã phải dùng hình nộm đóng thế sợ xe tăng nghiến phải. Vì đánh quả nổ quá gần nhằm tạo hiệu quả mà phó đạo diễn Bùi Tuấn Dũng suýt... tử trận thật. May mắn cho đoàn làm phim, sử dụng nhiều quả nổ, đạn pháo mà chỉ có hai diễn viên phụ bị thương nhẹ...

Trong phim không hề sử dụng kỹ xảo. Thế nên, những cảnh chiến trận hoành tráng đều quay thực. Dàn cachiusa bắn đạn thật, đạn pháo bắn thật, nổ thật. Đại cảnh 40 xe tăng của ta bất ngờ từ đất “ngoi” lên “diễn” như thật. Những đại cảnh máy bay gầm rú trên trời và bên dưới là binh lính xuất hiện đều tăng hiệu ứng. Phần thu thanh của Huy Căn cũng được làm rất kỹ lưỡng. Mất mấy tháng trời bộ phim mới lồng xong tiếng nhân vật vì còn phải chọn và lựa rất nhiều người cho giống nguyên mẫu. Hai nhân vật lịch sử trong phim khó chọn người lồng tiếng nhất là Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn làm phim phải về tận quê hương các nhà lãnh đạo chọn người lồng tiếng.

Bối cảnh không gian trong phim Giải phóng Sài Gòn trải dài từ Hạ Long, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cho đến Tây Nguyên, Xuân Lộc, Sài Gòn. Và bối cảnh không gian này xuất hiện theo trình tự của thời gian diễn ra các trận đánh lịch sử từ tháng 3 khi chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch ngày 30/4. Với độ dài khoảng 3.000m phim, hơn 120 phút chiếu thì việc đi sâu vào khắc họa các tuyến nhân vật, diện mạo mỗi cá nhân sẽ không tránh khỏi sơ sài. Đó chính là cái khó của những nhà biên kịch. Và trong quá trình chọn lọc, không ít khi, họ đã lược mất những tình tiết quan trọng của lịch sử. Điều đáng nói nhất là bộ phim chưa làm nổi rõ nghệ thuật chỉ đạo chiến lược dùng binh giải phóng Sài Gòn của ta.

Trong phim Giải phóng Sài Gòn, các nhà biên kịch chỉ khai thác một số suy tư dằn vặt “chưa tới tầm” của nhân vật Tổng Bí thư Lê Duẩn. Những câu thoại của các nhân vật lịch sử phía ta như Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Mười Cúc, Sáu Dân, Trần Văn Trà... chưa có sự phân tích sâu về tình hình chiến sự.

Các nhà biên kịch cũng không đi vào khai thác sâu chi tiết tạo tình thế thần tốc, bất ngờ của quân đội ta khi Bộ Tổng tham mưu ngụy tính toán: Đối phương (quân đội ta) chắc chắn sẽ tấn công thẳng vào Sài Gòn nhưng với quân số hiện tại họ sẽ không thể tạo ra sức mạnh. “Họ chỉ có khả năng tăng cường cho miền Đông Nam bộ nhiều nhất là một quân đoàn và muốn đưa lực lượng này tới chiến trường thì phải mất ít nhất là hai tháng”.

Tuy nhiên, địch đã phải trả giá cho nhận định sai lầm này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích tình hình và đưa ra hai phương án: “Một là bao vây rồi dứt điểm Sài Gòn, hai là tiến công táo bạo ngay từ đầu, đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Và Đại tướng đã chọn phương án hai: Sử dụng lực lượng ngay tại chỗ đánh địch, tạo thế bất ngờ chứ không đợi tăng viện. Rồi ngay cả khi tấn công Sài Gòn, ta cũng nghiên cứu hướng tiến công nào có lợi nhất? bất ngờ nhất? Làm sao có thể vây chặt, tiến công tiêu diệt nhanh các sư đoàn địch ở vòng ngoài? Làm sao tổ chức thọc sâu nhanh vào thành phố? Trong trận này, khả năng tan rã của địch có như ở Tây Nguyên không?...

Giá như “Giải phóng Sài Gòn” khai thác sâu được nghệ thuật chỉ đạo chiến lược này của ta, gọt rũa lời thoại nhân vật cho phù hợp với ngôn ngữ riêng biệt của quân đội thì bộ phim sẽ hấp dẫn hơn nữa. Nhưng dẫu thế thì “Giải phóng Sài Gòn” cũng là bộ phim lớn mà bây giờ ngành điện ảnh khó có thể thực hiện được bộ phim thứ hai.

Để thực hiện được những “ép phê” cảnh chiến tranh, bộ phim đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí, khí tài do Bộ Quốc phòng giúp đỡ. Theo lời đạo diễn Long Vân: bộ phim đã sử dụng 36 quả đạn cachiusa (giá trị 80 triệu đồng/quả. Tốn khoảng gần 3 tỷ đồng); 40 chiếc xe tăng; 4 máy bay trực thăng bay đi bay lại nhiều lần, 1.000 khẩu AR 15, 650 quả đạn pháo đã được bắn; 6 tấn thuốc nổ; 1 tấn thuốc khói; 1.000 bộ quần áo lính ngụy; 1000 khẩu súng AR15; 20.000 lượt người tham gia các cảnh quay. Tổng mức đầu tư kinh phí cho bộ phim là 12,5 tỷ đồng. Số lượng lính trong các cảnh phim lên đến 2.000 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải phóng Sài Gòn: Bộ phim hoành tráng, khó làm lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO