Hãng Phim truyện Việt Nam đẩy mạnh dịch vụ sau cổ phần hóa

Theo VOV 29/12/2017 12:15

Lãnh đạo hãng cho biết đơn vị sẽ hướng đến sản xuất phim ngắn thị trường, đồng thời phát triển dịch vụ làm tiền kỳ, hậu kỳ.

Hãng Phim truyện Việt Nam đẩy mạnh dịch vụ sau cổ phần hóa

Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Phim truyện Việt Nam.

Sáng 28/12, Cục Điện ảnh tổ chức tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Theo ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Phim truyện Việt Nam, hãng sẽ thực hiện phim Người yêu ơi do Cục Điện ảnh đặt hàng. Ngoài ra, hãng đã thỏa thuận hợp tác sản xuất phim với đài truyền hình KBS (Hàn Quốc). Hãng cũng triển khai làm phim ngắn, tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ.

Ngoài hoạt động sản xuất phim cho nhà nước và phim thị trường, hãng sẽ đầu tư các thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, đồng thời cử cán bộ đi học nâng cao các kỹ năng chuyên môn nhằm mục tiêu phát triển các dịch vụ này. Về kế hoạch lâu dài, hãng sẽ đầu tư khôi phục, xây dựng cơ sở hạ tầng tại trụ sở số 4, Thụy Khuê.

Ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận trong quá trình cổ phần hóa hãng, ông và ban lãnh đạo nóng vội thắt chặt các quy định quản lý, gây ra mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và ban quản lý, ảnh hưởng đến bộ mặt của ngành điện ảnh.

Ông Thắng nhắc lại những khó khăn từ khi tiếp nhận Hãng Phim truyện Việt Nam hồi tháng 6: "Khi mới tiếp nhận hãng, công nợ của đơn vị lên đến 21 tỷ đồng. Hiện tại, hãng đã trả khoảng 15 tỷ. Mọi trang thiết bị đều lạc hậu, gần như không có giá trị sử dụng.

Cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu. Nguồn lực dồi dào nhất của hãng là 85 nhân sự, gồm đạo diễn, quay phim, biên kịch... Tuy nhiên, vài năm gần đây, họ không làm việc, đóng góp cho hãng nhưng vẫn được trả lương. Nguồn thu duy nhất của hãng đến từ việc cho thuê thiết bị, trường quay nhưng không đáng kể".

Đạo diễn Vương Tuấn Đức - Giám đốc Hãng Phim truyện - cho biết cổ phần hóa là điều không nghệ sĩ nào mong muốn, tuy nhiên, đây là chủ trương của nhà nước, các đơn vị không thể không thực hiện. "Trong quá trình cổ phẩn hóa, chúng tôi từ những người có công trở thành kẻ có tội. Những mâu thuẫn giữa nghệ sĩ, ban lãnh đạo xuất phát từ sự ghen tỵ, đố kỵ, hiểu lầm của một số cá nhân. Trong khi đó, nhiều anh chị em nghệ sĩ vẫn muốn được làm phim", ông Vương Tuấn Đức nói.

Bà Ngô Phương Lan đánh giá quá trình cổ phần hóa không trọn vẹn ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành điện ảnh và gây ra ồn ào không đáng có. "Cục không trực tiếp tham gia vào công cuộc cổ phần hóa Hãng Phim truyện. Tuy nhiên, chúng tôi nắm được thông tin qua báo chí, dư luận. Lùm xùm giữa nghệ sĩ và ban lãnh đạo mới ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành điện ảnh", bà Lan nói. Cục trưởng Điện ảnh bày tỏ hy vọng việc này được giải quyết dứt điểm trong năm 2018.

Thứ trưởng Văn hóa Vương Duy Biên kết luận trong bối cảnh khó khăn của nền văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, sau quá trình cổ phần hóa, các đơn vị cần có sự chuyển mình tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời đào tạo, phát triển đội ngũ kế cận.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình trạng chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm phim và khuất tất trong việc cổ phần hóa của ban lãnh đạo mới. Ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãng Phim truyện Việt Nam đẩy mạnh dịch vụ sau cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO