Tháo 'nút thắt' của Luật Điện ảnh sau 12 năm

Minh Quân 08/07/2019 08:00

Sau 12 năm thực hiện Luật Điện ảnh bên cạnh những tác động tích cực thì quá trình triển khai hiện đã và đang bộc lộ nhưng điểm chưa phù hợp với thực tế, cũng như tính khả thi trong thực hiện. Mới đây, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tháo 'nút thắt' của Luật Điện ảnh sau 12 năm

Cần dỡ bỏ những bất cập để điện ảnh phát triển.

Những bước phát triển rõ rệt

Cụ thể, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, hoạt động điện ảnh trong cả nước đã có những bước phát triển rõ rệt về cơ cấu tổ chức, đội ngũ và cơ sở vật chất, từ đó làm nên những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển của đất nước. Hoạt động điện ảnh đã góp phần tích cực trong định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thi hành Luật Điện ảnh còn một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thể chế và thực tiễn đòi hỏi cần được nghiên cứu, đánh giá để đề xuất xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động điện ảnh, đáp ứng yêu cầu phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trong đó, các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh. Đơn cử như quy định về đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước. Bởi vì, phim là một tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác kịch bản đến tổ chức sản xuất.

Dự án sản xuất phim bao gồm hai thành tố liên quan chặt chẽ, phối hợp triển khai thống nhất, xuyên suốt từ đầu đến cuối, đó là “Kịch bản” được Hội đồng thẩm định kịch bản tuyển chọn và “Phương án sản xuất” do cơ sở sản xuất xây dựng. Trên thực tế, chủ đầu tư không phải là chủ sở hữu kịch bản, mà chủ sở hữu kịch bản là cơ sở sản xuất phim. Thông thường các cơ sở sản xuất phim đầu tư cho nhà biên kịch, sau đó trình Hội đồng thẩm định kịch bản tuyển chọn.

Theo đó, chủ đầu tư không có đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở sản xuất thực hiện dự án sản xuất phim. Trước đó, mặc dù Bộ VHTTDL đã hoàn thành dự thảo thứ 8 của Thông tư hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng vẫn không khả thi.

Hạn chế cần tháo gỡ

Bên cạnh đó, các quy định của Luật Điện ảnh chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Trong khi thế giới, công nghiệp điện ảnh đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số hóa thì một quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim theo công nghệ trên thực tế chưa phân biệt rõ ràng sản phẩm nghe nhìn nào được xem là một tác phẩm điện ảnh hoặc không phải là tác phẩm điện ảnh; chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý việc phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, trên internet, phổ biến phim online và các phương tiện truyền thông khác.

Ngoài ra, trước đó việc soạn thảo Đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh để hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc đã được tiến hành từ năm 2010. Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ VHTTDL đã hai lần trình Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập, lý do chính là chưa xác định nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ...

Đặc biệt, Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút đầu tư, ưu đãi. Mặc dù, Luật Điện ảnh quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa có những văn bản hướng dẫn hay chính sách cụ thể, cơ chế nhằm ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh.

Đơn cử như việc áp thuế nói chung và thuế đất nói riêng cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp điện ảnh, đặc biệt là các doanh nghiệp mới cổ phần hóa. Doanh nghiệp điện ảnh không có lợi thế về kinh doanh như các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa khác, do vậy áp mức thuế chung là thiếu công bằng đối với doanh nghiệp điện ảnh. Sự thiếu bình đẳng, bất cập trong việc áp dụng chính sách đầu tư phát triển điện ảnh Việt Nam giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua. Vì vậy việc đầu tư cho sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng điện ảnh còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, so với hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim,... quy định tại Luật Điện ảnh cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, mức xử phạt còn thấp, chưa bảo đảm tính răn đe...

Có thể thấy, việc triển khai Luật Điện ảnh trong sự phát triển chung đang ngổn ngang những bất cập. Ở đó, nguyên nhân là trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh hiện hành, tính đặc thù của hoạt động điện ảnh chưa được nhìn nhận đầy đủ. Một số quy định của Luật còn cứng nhắc, thiếu tính khả thi...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đổi mới toàn diện nền điện ảnh là một đòi hỏi cấp bách xuất phát từ đặc điểm điện ảnh là một ngành nghệ thuật có tính quốc tế cao. Giống như những ngành văn hóa khác, điện ảnh không chỉ có phạm vi hoạt động trong một quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.

Tác phẩm điện ảnh không những là cầu nối giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, giúp phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế mà còn là một phương tiện tuyên truyền hiệu quả, có khả năng tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới. Cùng với đó, trong bối cảnh bùng nổ của thông tin và hệ thống internet, việc tiếp cận tác phẩm điện ảnh mọi thể loại, mọi quốc tịch đều có thể dễ dàng thực hiện thông qua nhiều phương thức đa dạng và linh hoạt.

Điện ảnh Việt Nam không những chịu sự chi phối của các quy định, chính sách quản lý của Nhà nước mà còn bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, trào lưu quốc tế. Sự ảnh hưởng mang tính tất yếu, khách quan này đồng thời đem đến những yếu tố tích cực và tiêu cực cho nền điện ảnh nước nhà.Một mặt các nhà làm phim Việt Nam và khán giả có cơ hội thưởng thức tác phẩm điện ảnh phong phú, đa dạng trên thế giới; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, mở ra mối quan hệ hợp tác với điện ảnh quốc tế.

Bên cạnh đó, sự lan tràn thiếu kiểm soát của phim ảnh ngoại nhập gây áp lực đối với ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ của Việt Nam khi các nhà phát hành nước ngoài thống lĩnh thị trường. Do vậy Nhà nước cần có những chính sách thích ứng để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc, nhưng vẫn bảo đảm hội nhập sâu rộng quốc tế... Được biết, thời gian dự kiến trình thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng Luật của Chính phủ sẽ được triển khai vào năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo 'nút thắt' của Luật Điện ảnh sau 12 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO