Việc kiểm duyệt các tác phẩm văn hóa nghệ thuật (VHNT) như điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật... không chỉ nhằm định hướng trong sáng tác mà còn đảm bảo các giá trị thuần phong, mỹ tục. Với sự phát triển của xã hội một số quy định trở nên lỗi thời…
Bộ phim “Ròm”- một trong những minh chứng về sự bất cập trong công tác kiểm duyệt hiện nay.
Mới đây, giới điện ảnh nước ta không khỏi “bất ngờ” khi bộ phim “Ròm” vừa được vinh danh tại LHP Busan (Hàn Quốc) đã bị “thổi còi” ngay tại quê nhà. Nguyên nhân được Cục Điện ảnh đưa ra là nội dung phim chưa phù hợp và yêu cầu phải chỉnh sửa... kèm theo một án phạt lên tới 40 triệu đồng. Với án phạt trên thì sau hơn nửa năm từ khi được vinh danh (tháng 10/2019) đến nay, bộ phim vẫn “trắc trở” trên con đường về nước. Tuy nhiên, vụ việc phim “Ròm” cũng chỉ là một trong vô số những “hạt sạn” và tranh cãi về công tác kiểm duyệt hiện nay. Thậm chí nhiều nghệ sĩ còn ngao ngán cho rằng đây là trở thành một “hàng rào” ngăn cản sự tư duy sáng tạo nghệ thuật.
Cách đây không lâu đã có hàng loạt tác phẩm nghệ thuật lãng mạn từng bị cấm lưu hành, nhiều sáng tác trước năm 1975 vẫn nằm vất vưởng trong vùng cấm địa, chưa thể hội nhập đời sống. Hay các tác phẩm tranh nude, ảnh nude phải nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ mới thoát khỏi “vòng kim cô” của khái niệm “dung tục”. Thực tế cho thấy, trong các trường hợp trên với các nhà quản lý thì việc thi hành đều căn cứ vào luật. Tuy nhiên, việc áp dụng với từng vụ việc đang lộ rõ sự lạc hậu, chậm trễ, nhất là cơ hội mở ra sự tự do trong sáng tạo. Có một thực tế là đã từ rất lâu chưa một trào lưu nghệ thuật mới nào nảy sinh hay định hình tại Việt Nam. Hầu hết các trào lưu nghệ thuật đều được du nhập, tiếp thu, học tập từ các quốc gia khác.
Khi nhìn vào các sự kiện nghệ thuật nổi lên như những điểm sáng văn hóa cho thấy, khiếm khuyết ẩn sâu bấy lâu nay bắt nguồn từ trong tư tưởng, tiêu chí đánh giá chưa được tháo gỡ. Có một thực tế “đáng buồn” là chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, kiểm duyệt VHNT đang chịu thách thức trước nhu cầu đổi mới, phát triển. Những cá nhân Việt Nam ưu tú có đủ trình độ, thẩm quyền chuyên môn được mời ngồi vào hội đồng thẩm định các sự kiện VHNT trên thế giới chiếm số lượng vô cùng ít ỏi… Điều đó chứng minh, Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hoặc chưa quy tụ được những phần tử ưu tú tham gia.
Với những bất cập nảy sinh, hàng loạt các Nghị định về nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh... đã và đang được tiến hành lấy ý kiến sửa đổi với kỳ vọng sẽ có một hành lang thông thoáng hơn trong việc kiểm duyệt. Nhưng để làm “mềm” các quy định không phải là việc có thể giải quyết trong một sớm, một chiều và nhận được ngay sự đồng thuận của những người làm nghệ thuật. Trong khi những sáng tạo nghệ thuật lại luôn biến đổi từng ngày, từng giờ. Thậm chí, có những sáng tạo nếu bị kiểm soát, kìm hãm sẽ phá bỏ tương lai, sự nghiệp của những người nghệ sĩ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, cái khó trong kiểm duyệt điện ảnh hiện nay là Hội đồng duyệt phim cũng phải chịu quá nhiều áp lực từ sự suy diễn mang tính chính trị của nơi này nơi kia. Tâm lý chung, họ cũng bị yếu thế, cố tránh né sao cho an toàn. Và vì quá an toàn và sợ áp lực nên đôi khi chúng tôi cảm giác như Hội đồng đã “thà cắt oan còn hơn bỏ sót”. Để giải quyết được vấn đề này, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Hội đồng duyệt phim phải vượt qua các áp lực, không ngại làm mất lòng ai. Việc của họ khi ấy chỉ là đánh giá bộ phim theo câu chữ quy định trong Luật Điện ảnh. Đơn cử như, phim có cảnh quan hệ giới tính thì hạn chế lứa tuổi nào? Bạo lực cỡ nào thì tuổi nào được xem, những hình ảnh và câu thoại nào phạm vào tính dân tộc, quốc gia thì không được... Mọi thứ khi đã tường minh sẽ không bị gánh vác một “bóng ma” nặng nề vô hình mang tên “vấn đề nhạy cảm” nữa.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói: Các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa cần cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc thẩm định trước khi đưa ra quyết định trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tránh những sự hiểu lầm, những suy diễn không có lợi trong đời sống văn nghệ, nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước đề ra.
Quản lý đồng nghĩa với hỗ trợ phát triển trên đường hướng tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực, sức sáng tạo. Nên chăng đã đến lúc, việc kiểm duyệt các tác phẩm VHNT cần những đơn vị kiểm duyệt độc lập, khách quan, có năng lực, trình độ chuyên môn, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho tác phẩm nghệ thuật đi vào đời sống, thay vì duy trì một hệ thống kiểm duyệt theo kiểu “barie” chắn cổng.