Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cảnh giác với việc tổ chức 'chui'

Hoàng Ánh – K. Lê 12/11/2019 07:14

Hiện nay nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động khá cao. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ và ngôn ngữ nên việc này vẫn rất khó khăn đối với đa số người lao động. Lợi dụng điều này, nhiều công ty đã tổ chức đưa người lao động đi làm việc chui ở những thị trường mà Chính phủ chưa ký hiệp định hợp tác lao động và cũng không quản lý được. Vì vậy, những rủi ro mà người lao động phải gánh chịu là rất lớn.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cảnh giác với việc tổ chức 'chui'

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã kí kết thỏa thuận hợp tác lao động với nhiều nước.

“Sập bẫy” vì những lời có cánh

Singapore là thị trường “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Trường hợp lao động Việt Nam muốn làm việc tại Singapore thì chỉ có 2 hình thức: Visa S Pass hoặc E Pass. Visa S Pass là lao động kỹ thuật, mức lương từ 2.200 SGD/tháng trở lên, gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hằng tháng. Visa E Pass là lao động chuyên gia, lương từ 3.300 SGD/tháng trở lên.

Để được cấp hai loại visa này, lao động Việt Nam phải được người sử dụng lao động Singapore đứng ra bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết: Nộp hồ sơ tại Bộ phận nhân lực Singapore để xin Thư đồng ý theo nguyên tắc IPA (In-principle approval - một dạng như visa để người lao động nhập cảnh hợp pháp vào Singapore) và các yêu cầu khác. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) mới chỉ cho phép Công ty VIRASIMEX tuyển dụng lao động theo những yêu cầu này nhưng chưa được thu phí của người lao động.

Tuy nhiên thời gian gần đây lợi dụng sự thiếu hiếu biết của người lao động, nhiều cò mồi, môi giới đã vẽ ra rất nhiều viễn cảnh với mức lương cao để lừa người lao động. Cũng vì tin vào lời mời có cánh của cò mồi, anh N. V.T ở Hà Nội đã mất 20 triệu đồng tiền đặt cọc và hơn 30 triệu đồng các chi phí khác cho bên môi giới. Tuy nhiên dù đã đóng 50 triệu đồng đã lâu, nhưng T vẫn không được sang Singapore làm việc như đã hứa.

“Đi Singapore, em đã gặp trực tiếp với môi giới Việt Nam, người ta hẹn em tư vấn và phỏng vấn trực tiếp với chủ. Sau khi chủ bên Singapore phỏng vấn được rồi thì người ta uplive cho em, nhưng do bên đấy có một số cái trục trặc và visa không được cấp thì môi giới Việt nam lại nói là họ cũng bị môi giới bên kia lừa, vì vậy hiện em cũng không lấy được tiền 50 triệu đã nộp. Không chỉ em mà cùng đợt có tất cả 60 bạn đều chung cảnh ngộ. Vì vẫn hy vọng muốn lấy lại được tiền nên bọn em không dám tố cáo, hay trực tiếp phản ánh về hành vi lừa của công ty” – T chia sẻ.

Không chỉ sang Singapore, rất nhiều lao động còn sập bẫy với những lời quảng cáo “có cánh” được sang làm việc ở Canada với mức lương từ 60 đến 80 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động chủ yếu là từ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh đã bỏ ra từ 1.000 đến 2.000 USD để đặt cọc cùng với 700USD để học tiếng với lời hứa được đi sau 4 tháng nhập học.

Phản ánh của nhiều lao động cho biết, đã nhận được những lời mời gọi khá hấp dẫn. Theo đó, người lao động chỉ phải đóng trên 2000 USD tiền đặt cọc và trên 700 USD tiền học phí và họ cam kết 4 đến 6 tháng, học đúng 3 tháng là đi được. Nếu đi phải đóng đầy đủ 16.500 USD, có người thì 20.000 USD, có người thì 22.000 USD… giá hầu như không có mức cụ thể mà mỗi người một giá khác nhau. Tuy nhiên, sau rất nhiều đợt phỏng vấn như thế vẫn chưa có ai được đi Canada dù các lớp học vẫn được công ty môi giới mở ra và tuyển dụng ở nhiều nơi.

Người lao động cần thận trọng

Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, trong thời gian qua, Việt Nam đã kí kết với các thỏa thuận hợp tác lao động với nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, UAE, Thái Lan, Malaisia,... và vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc) tạo thành khung pháp lí để NLĐ đi làm việc tại nước ngoài, các thủ tục cho NLĐ đi làm việc tại nước ngoài thông qua các DN. Bên cạnh đó, có nhiều nước hiện nay chúng ta chưa kí thỏa thuận hợp tác lao động, tuy nhiên theo luật pháp của nước sở tại của các nước đó vẫn tiếp nhận lao động vào làm việc thông qua các HĐ mà DN Việt Nam với các DN của nước sở tại, các chủ sử dụng kí kết hợp đồng trực tiếp với người lao động Việt Nam đến làm việc tại nước đó...

“Đối với Canada, Việt Nam cũng chưa có thỏa thuận hợp tác lao động, tuy nhiên luật pháp của nước sở tại, vẫn cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc theo quy định... riêng đối với lao động đi làm việc tại Canada, hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hợp đồng cung ứng lao động của các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đi làm việc tại Canada đăng kí tại Cục. Cho nên trong thời gian qua, chưa có một hợp đồng nào của các doanh nghiệp trình đăng kí tại Cục để đưa người Việt Nam đi làm việc tại Canada...” - ông Liêm cho biết.

Cũng theo ông Liêm, đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và tuyển chọn NLĐ đi làm việc tại Canada, hoặc các doanh nghiệp tổ chức cá nhân tuyển dụng người lao động đi làm việc tại Canada mà chưa đăng kí hợp đồng với cơ quan nhà nước, hoặc chưa làm thủ tục tại cơ quan quản lý nhà nước thì việc tuyển dụng và cung ứng đưa NLĐ đi làm việc tại Canada là không đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cảnh giác với việc tổ chức 'chui'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO