Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn - Bài 4: Đất bỏ hoang - ai chịu trách nhiệm…?

Đức Sơn 15/06/2019 08:00

Tình trạng lãng phí đất nói chung, nhất là tại các Khu đô thị chậm thực hiện kéo dài nhiều năm qua tại Hà Nội gây bức xúc cho người dân. Ai phải chịu trách nhiệm trước sự lãng phí đất, bao giờ khắc phục và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?…

Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn - Bài 4: Đất bỏ hoang - ai chịu trách nhiệm…?

Các dự án Đô thị ở huyện Mê Linh, sau hàng chục năm triển khai vẫn chỉ là…bãi cỏ chăn bò.

Những con số đáng buồn

Theo Báo cáo giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2017 thể hiện, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 với hình thức và mức độ khác nhau. Phổ biến vẫn là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (40 dự án), chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (47 dự án), chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (22 dự án), chậm nghĩa vụ tài chính (4 dự án).

Giám sát trực tiếp tại 8 quận, huyện có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục. Giám sát qua báo cáo của 22 quận, huyện, thị xã còn lại cho thấy 172 dự án chậm triển khai. Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như : Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án….Cá biệt, có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Về nguyên nhân, Báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội nhận định, do công tác chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội có thời điểm chưa quyết liệt. Các sở, ngành của thành phố chưa chú trọng công tác tổng hợp và chưa làm tròn nhiệm vụ được giao. Một số cơ quan tham mưu cho UBND thành phố (Sở TN&MT, Sở KH&ĐT) còn chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm tròn hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đối với những dự án HĐND thành phố đã giám sát và kiến nghị thu hồi. Liên sở KH&ĐT, TN&MT, QH-KT, Xây dựng, Tài chính và Cục thuế chưa kịp thời phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong phân loại chính xác các nguyên nhân chậm triển khai của dự án để kịp thời, tham mưu, xử lý. Sở TN&MT chưa tham mưu cơ chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, cung cấp thông tin việc chấp hành của nhà đầu tư thực hiện dự án theo quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên thực tế.

Mặt khác, một số quận, huyện chưa chủ động, đôn đốc các sở ngành phối hợp quản lý các dự án sử dụng đất trên địa bàn, nhất là yêu cầu lập hồ sơ vi phạm theo quy định để làm căn cứ đầy đủ kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Trách nhiệm thuộc về ai…?

Về nguyên nhân, trách nhiệm đối với các dự án bỏ hoang, theo ông Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhận định, việc lựa chọn chủ đầu tư thiếu năng lực nên thực hiện không được như mong muốn. Bên cạnh đó, là mối quan hệ giữa phê duyệt dự án và việc kiểm tra để thực hiện tiến độ trong kế hoạch hiện nay còn thiếu chặt chẽ. Trong đó, còn tồn tại thấy rõ rệt nhất, tức là quản lý đất theo thẩm quyền thành phố đã giao cho các chủ đầu tư, các dự án để phát triển đô thị, hiện nay chúng ta quản lý chưa chặt chẽ. Hiện tượng sử dụng đất chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng xác định trong dự án…

Về vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình- Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật cũng cho rằng, dẫn đến thực trạng trên có thể thấy có nhiều nguyên nhân đó là sự thay đổi của chính sách pháp luật, sự quy hoạch chưa kịp thời, đồng bộ, cơ sở hạ tầng...Theo luật sư Bình, về vấn đề quy hoạch chồng chéo có lẽ là một vấn đề mà chúng ta nói mãi từ bao nhiêu năm nay. Ví dụ từ sự chồng chéo giữa quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị của Thủ đô. Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt tại Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội được quy hoạch thành dải đất rộng khi sát nhập thêm Hà Tây, trong đó nêu rõ đây là quy hoạch khu vực đô thị, phân khu đô thị. Vậy mà thời gian dài UBND TP Hà Nội đã phát động, yêu cầu UBND các cấp quận, huyện xây dựng quy hoạch nông thôn mới. Chính điều đó đã khiến hàng trăm các quy hoạch nông thôn ra đời ở Hà Nội, khiến người dân không hiểu, bởi không biết phải thực hiện thế nào?

Về việc ai phải chịu trách nhiệm, luật sư Bình cho rằng, trước tiên là các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này sau đó đến các chủ đầu tư. Bởi lẽ, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn với các dự án “treo” bởi các dự án này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực vùng dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn cản trở sự phát triển của các chủ đầu tư khác khi chủ đầu tư dự án “treo” giữ đất.

Đối với các dự án cố tình “chây ỳ” không triển khai thì phải thu hồi theo quy định trên cơ sở hoàn thiện khung pháp lý, khiến chủ đầu tư bị thu hồi tâm phục khẩu phục. Qua đó, tránh tình trạng tranh chấp tài sản trên đất của chủ đầu tư cũ bị thu hồi và chủ đầu tư mới được giao. Thu hồi đất của các dự án “treo” thì hoàn toàn hợp pháp, nhưng tài sản được nhà đầu tư xây dựng, hình thành trên đất thì đang là vấn đề không rõ ràng.

“Cần chế tài phạt thật nặng về tài chính đối với những chủ đầu tư dự án treo, điều này sẽ khiến các chủ đầu tư không thể ôm đất chậm triển khai dự án. Chủ đầu tư không có khả năng tài chính nộp phạt thì tiền phạt sẽ được quy trừ với tài sản được hình thành trên đất của dự án…” - luật sư Bình nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia về đất đai, nhiều dự án chậm tiến độ còn do nguyên nhân việc chấp hành Luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư theo quy định của một số nhà đầu tư chưa tốt. Họ cố ý sử dụng sai mục đích để thu lời bất chính hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ. Nhiều trường hợp chủ đầu tư lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để tối đa hóa lợi nhuận và kéo dài thời gian để chuyển nhượng dự án. Năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, năng lực tài chính không đạt yêu cầu, không thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thoát, lãng phí - làm sao ngăn chặn - Bài 4: Đất bỏ hoang - ai chịu trách nhiệm…?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO