Điên đầu với kẹt xe

Tinh Anh 05/01/2021 10:30

Người dân sống tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã quá quen với vấn nạn tắc đường diễn ra hàng ngày. Vậy mà đôi lúc cũng phải “phát điên” bởi khi vội giải quyết công việc mà hàng tiếng mới chỉ nhích được khoảng 1m đường.

Giao thông hỗn hợp trên đường phố Hà Nội.

Người ta hay nói, Hà Nội không vội được đâu mang nhiều hàm nghĩa, trong đó có nghĩa đen trần trụi là vấn nạn tắc đường xảy ra hàng ngày như cơm bữa và trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Người ta còn nói, nếu ai đã lái xe ô tô ở Hà Nội rồi thì có thể đi khắp nơi trên thế giới mà không sợ xảy ra TNGT. Chỉ vậy thôi cũng cho thấy sự phức tạp của giao thông Hà Nội, vấn nạn tắc đường đã được “bình thường hóa”.

Song, điều đáng nói là đâu chỉ có Hà Nội xảy ra vấn đề ùn tắc giao thông, mà TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác cũng đâu có chịu thua kém. Giống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra kẹt xe ở nhiều tuyến đường khiến người dân nơi đây vô cùng khổ sở. Nhưng biết làm sao hơn khi mà nhiều năm qua, vấn nạn này không thể được giải quyết dù chính quyền thành phố đã hứa nhiều.

Điên đầu nhất phải kể đến mỗi độ lễ tết, người lao động được nghỉ dài ngày. Vào những dịp này, các cửa ngõ Thủ đô và TP Hồ Chí Minh kẹt cứng, dòng xe cộ ùn tắc nối đuôi nhau dài đến hàng vài cây số. Có những tuyến đường, vào một số thời điểm người tham gia giao thông chỉ có thể nhích lên được 1m trong khoảng thời gian hàng tiếng đồng hồ. Đôi khi phải mất cả một ngày, lực lượng CSGT mới giải tỏa hết ùn tắc.

Tất cả những điều vừa nói ở trên ai cũng biết, ai cũng thấy khổ sở cả. Chính quyền các đô thị cũng đã “nghĩ nát nước”, nhiều chuyên gia cũng hiến kế này kế nọ, nhưng rốt cuộc cũng không thể giải quyết được vấn đề. Người thì cho rằng vấn nạn ùn tắc do tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn quá nhanh. Người thì nói do cơ sở hạ tầng quá cũ, quá yếu, không phát triển kịp với sự phát triển nóng của đô thị...

Xin thưa, tất cả những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông mà các chuyên gia và nhà quản lý chỉ ra đều chính xác cả. Song, vấn đề là giải pháp để khắc phục những nguyên nhân đó là gì thì chẳng ai dám khẳng định. Làm sao có thể khẳng định khi mà để giải quyết vấn đề tăng dân số cơ học lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, trong khi không phải ai cũng dám hy sinh vì cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân cũng khá cốt lõi dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông là chính quyền từ thành phố đến quận, phường, rồi các cơ quan chuyên môn như điện lực, bưu chính viễn thông... liên tục hòa tấu khúc hát đào đường. Người ta cứ vô tư cấp phép đào đường, nay đào rồi mai lại đào chỉ để chôn một cái cáp điện, một dây trục truyền hình, internet. Mà đào đường, đào hè thì phải rào chắn, cấm đường làm sao không tắc?

Không chỉ đào hè, đào đường để hạ ngầm cáp điện, truyền hình hay internet, người ta còn lật tung vỉa hè đang tốt lên để lát lại đá “có tuổi thọ 70 năm”, để rồi sau đó vài bữa có đoạn nát vụn như cám. Thôi thì cái sự cố giải ngân cho kỳ hết bằng việc cố “moi việc ra để làm” tạm chưa bàn đến, nhưng có như thế thì cũng phải tính thời điểm nào hợp lý để không làm phiền đến người dân, nhất là người tham gia giao thông.

Đằng này, cứ nhè vào dịp cuối năm người ta lại cùng nhau hát vang bài ca đào đường, rào đường, để rồi những con phố vốn đã nhỏ lại càng thêm chật chội. Trong khi đó, vào dịp năm hết Tết đến, mọi cá nhân, cơ quan, đơn vị đều có rất nhiều việc phải giải quyết nên buộc phải “nhao ra đường” nhiều. Lưu lượng người tham gia giao thông tăng lên, trong khi diện tích đường bị hẹp đi, làm sao có thể không ùn tắc?

Chưa kể ý thức của người tham gia giao thông quá kém cũng là yếu tố góp phần làm vấn nạn tắc đường ngày càng trở nên trầm trọng. Có những tuyến phố khá rộng như đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) nhưng sáng nào cũng tắc cứng. Đơn giản là vì các loại xe ô tô đi không có hàng lối mà cứ trống chỗ nào là ngoi lên, thậm chí một số lái xe buýt còn điều khiển nửa xe “ghếch” lên đi trên vỉa hè.

Một con phố rộng thênh thang như đường Nguyễn Văn Cừ mà còn tắc, thì những con phố nhỏ lại bị đào hè, đào đường, rào chắn bảo sao không tắc cho được. Và chính vì có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn nên chính quyền tại những nơi này đành bó tay bất lực, bởi nếu muốn giải quyết thì sẽ phải đồng bộ trong tất cả các khâu, lĩnh vực.

Quả là khó thật, khi mà không thể giảm sự tăng dân số cơ học vì động chạm lợi ích của nhiều người; ý thức người tham gia giao thông không nâng lên được vì khi thi lấy bằng họ được bao luật; không đào đường, đào hè để lát đá, để thay dây cáp ngầm... thì làm thế nào để tiêu cho hết ngân sách được cấp? Vậy nên vấn nạn tắc đường chưa biết đến bao giờ có hồi kết, vì thế nhiều người sẽ vẫn còn phải điên đầu khi tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điên đầu với kẹt xe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO