Thông tin từ Bộ Công an cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 2.500 vụ phạm tội về kinh tế, 120 vụ tham nhũng và chức vụ. Con số trên nói lên điều gì nếu không phải là quyết tâm thanh lọc “những con sâu” đang còn lẩn khuất đâu đó để đục khoét tài sản của Nhà nước?
Con số gần 2.500 vụ án kinh tế, 120 vụ án về tham nhũng, chức vụ trong 5 tháng khiến chúng ta vừa vui vừa buồn. Buồn vì vẫn còn nhiều sâu mọt trong một số cơ quan nhà nước đến nay mới bị phanh phui, vạch trần. Vui vì thanh lọc được phần nào những khối ung nhọt gây hại xã hội.
Điều khiến dư luận xã hội càng thêm phấn chấn, tin tưởng hơn nữa vào quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, đó là có không ít cán bộ “cỡ bự” đã phải “nhập kho”. Chẳng phải mới đây nhất, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V, Bộ Công an) cũng đã bị khởi tố, bắt giam đó sao?
Mới cách đây 2 ngày thôi, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Duy Linh (cựu Phó tổng Cục trưởng Tổng cục V) về hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), hòng chạy tội cho bị án này.
Điều đau xót hơn là không chỉ có bị can Nguyễn Duy Linh, bị án Vũ “nhôm” từng là cán bộ lực lượng công an bị khởi tố, bắt tạm giam vì các hành vi vi phạm pháp luật. Trước đó còn có một số tướng công an bảo kê, chống lưng cho tội phạm để nhận những đồng “tiền bẩn” đã bị sa lưới pháp luật như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa...
Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 20 của UBKT Quân ủy Trung ương, cơ quan này cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật 12 sĩ quan, trong đó kỷ luật về Đảng 4 người (cảnh cáo 2, cách chức 2), kỷ luật quân đội 8 (tước quân hàm 1, cách chức 3, tước quân tịch 4). Hồi cuối tháng 5, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật một thiếu tướng là Phó Tư lệnh quân khu 9.
Thời gian qua có nhiều lãnh đạo cấp cao tại một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật “sờ gáy” bởi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Có những vị từng là bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, có người từng là bộ trưởng nhưng rồi tay vẫn nhúng chàm.
Đến tận bây giờ, hậu quả để lại của các bị can, bị án: Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực TP HCM), Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến (đều là cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (đều là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT) vẫn chưa thể khắc phục hết, song niềm tin của nhân dân đã được củng cố vững chắc hơn.
Kể ra các vụ án với những tên tuổi của một số người từng giữ những vị trí chủ chốt tại các bộ, ngành, địa phương, tướng lĩnh công an, quân đội, để thấy rằng công cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng và Nhà nước là không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, không ai được phép “hạ cánh an toàn” nếu phạm pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, không ngơi nghỉ. Lò lửa chống tham nhũng, tiêu cực vẫn sẽ rực cháy nếu vẫn còn “những con sâu” đục khoét trong các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Từng có quan điểm cho rằng, nếu làm mạnh tay quá sẽ khiến nhiều cán bộ chùn tay, sợ sai. Song, quan điểm nhất quán của Tổng Bí thư là không những phải làm mà còn phải mạnh tay chống tham nhũng, tiêu cực, xử một người để cảnh tỉnh, răn đe nhiều người khác. Ai không dám làm thì đứng sang một bên.
Chính vì thái độ cương quyết đó mà đã có khá nhiều những người giữ vị trí cao tưởng như “bất khả xâm phạm” vẫn phải ra hầu tòa để trả giá cho hành vi coi thường pháp luật, gây hại cho đất nước, cho xã hội. Trong số đó, có những người đương chức, có kẻ đã về hưu, nhưng vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Từ khi Tổng Bí thư “nhóm lò” thiêu tham nhũng, nhiều người đã biết sợ mà rụt tay không dám làm bừa, làm ẩu. Cũng vì thế mà tình hình tham nhũng, tiêu cực, xa hoa, lãng phí đã giảm hẳn qua từng năm. Giờ đây, không còn có các “ông giời con” ngang nhiên lộng hành, vi phạm pháp luật nữa.
Mong rằng với quyết tâm diệt cho bằng hết “những con sâu” đục khoét tài sản của Nhà nước, “cơ thể” các cơ quan nhà nước sẽ mạnh khỏe hơn để phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng, tới đây báo cáo của Bộ Công an về các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ sẽ không còn những con số quá cao như hiện nay nữa.