Điều chỉnh để tránh ‘neo’ giá

Quang Ngọc 31/12/2021 11:28

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022. Theo Nghị định mới, cách tính giá cơ sở xăng dầu đã được thay đổi. Công thức tính giá cơ sở mới sẽ gồm cả tỷ trọng nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Một điểm rất đáng lưu ý trong Nghị định 95 là việc rút ngắn thời gian điều hành giá từ 15 ngày/lần xuống còn 10 ngày/lần. Điều này có nghĩa giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Nghị định 95 được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định giá xăng dầu, kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác cũng như giữ lạm phát.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính mới trong Nghị định 95 là phù hợp với cơ cấu nguồn xăng dầu hiện nay; trong khi cách tính cũ dựa trên cơ sở giá xăng dầu nhập khẩu là chính. Bởi xăng dầu sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 70% và về cơ bản có giá thành cơ sở rẻ hơn so với nhập khẩu. Do vậy, sau khi tính giá bình quân của hai nguồn xăng dầu nhập khẩu và trong nước thì giá xăng dầu sẽ giảm đi so với giá nhập khẩu trước đây.

Trước nay, tuy là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhưng Việt Nam cũng là quốc gia nhập xăng dầu thành phẩm khối lượng lớn. Giá xăng dầu trong nhiều thời gian đã “nhảy múa” ở mức cao, cho dù chúng ta có quỹ bình ổn. Chính vì thế, có ý kiến từng đề nghị bỏ quỹ bình ổn, mà lên xuống theo thị trường xăng dầu thế giới, tất nhiên là phải có dự báo trước, sát với thực tế. Nói như ông Vũ Vinh Phú - một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ thì bỏ quỹ bình ổn sẽ giúp đạt được lợi ích cho cả 3 bên: Nhà nước không phải bỏ ngân sách để bình ổn, doanh nghiệp được lợi khi mua giá thấp - bán giá cao, còn người tiêu dùng thì không phải chịu biến động giá mạnh; cùng đó là những giải pháp về giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý.

Về việc điều hành giá từ 15 ngày xuống 10 ngày, theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) là để sát hơn với giá biến động của thế giới. Việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần có thể giúp giá tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều lần điều chỉnh, thì giá xăng dầu ở ta vẫn ở mức cao. Ngay cả trong thời gian chống dịch Covid-19 căng thẳng thì có không ít lần điều chỉnh không xuống mà lại lên. Giá xăng dầu neo cao tác động rất nhiều tới giá cả thị trường nói chung, vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Nếu như điều chỉnh tăng, doanh nghiệp được lợi, thì lại đẩy phần thiệt hại sang cho người tiêu dùng. Càng kéo dài thời gian điều chỉnh, càng neo giá cao thì người tiêu dùng càng chịu thiệt. Một lít xăng có thể chỉ lên vài ba trăm đồng, nhưng nếu tính trên phạm vi cả nước mỗi ngày tiêu thụ hàng triệu lít thì số tiền hẳn phải là rất lớn.

Giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày không chỉ tiếp cận với thị trường quốc tế, mà còn tạo ra sự công bằng. Nếu trong vòng 10 ngày đó, giá xăng dầu thế giới tăng thì điều chỉnh tăng, giảm thì điều chỉnh giảm, không ai dễ gì trục lợi hoặc người tiêu dùng phải thiệt thòi vì đó là thực tế diễn biến thị trường. Thắng cùng thắng mà thua thì cùng thua, nói rõ hơn đó chính là việc san sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Không thể vì độc quyền mà có thể “neo” giá dài ngày vẫn không chịu hạ, trong khi giá xăng dầu thế giới đã đi xuống.

Trong cơ chế thị trường, việc áp giá, điều chỉnh giá hợp lý là rất quan trọng. Nó tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. Không ít lần chúng ta đã chứng kiến cảnh “té nước theo mưa” khi giá xăng lên, lập tức hàng loạt mặt hàng lên giá, kể cả những mặt hàng thiết yếu. Khổ nỗi, khi giá đã lên thì thật khó kéo xuống.

Vì vậy, việc Chính phủ rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được cho là phù hợp, là cần thiết, không để độ trễ trong điều chỉnh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh để tránh ‘neo’ giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO