Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội: Tăng bao nhiêu là phù hợp?

Lê Bảo 25/08/2021 08:00

Sau nhiều lần lấy ý kiến, điều chỉnh tại tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1/1/2022 với mức tăng 11% thay vì 15% trước đó đã đề xuất.

Theo tờ trình của Bộ LĐTB&XH, những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/2022 sẽ hưởng mức tăng 11%. Bộ LĐTB&XH cho biết, lần gần nhất tăng lương hưu năm 2019 (mức tăng 7,19%), từ đó tới nay chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,3%, GDP bình quân tăng 5,5%/năm, tổng mức tăng khoảng 15%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực tài chính cho phòng chống, dịch, do vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất chỉ tăng lương hưu 11%, giảm 4% so với tờ trình trước đó. Trước đó tháng 7/2021, Bộ LĐTB&XH có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất mức tăng 15%. Theo tính toán, thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước là 878.156 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 6.319 tỷ đồng. Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.179.897 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 20.591 tỷ đồng.

Cùng với đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp xã hội, Bộ LĐTB&XH đề xuất với những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh tăng 11%, mà mức lương, trợ cấp hàng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, họ sẽ được hỗ trợ tăng thêm. Cụ thể, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.300.000 đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.300.000 đồng/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/tháng.

Theo Bộ LĐTB&XH, việc điều chỉnh này, ngoài có tác động tích cực về mặt kinh tế đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp trước năm 1995, còn có tác động tích cực về mặt xã hội, thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của những người đã có quá trình công tác trước đây.

Đề cập đến nội dung điều chỉnh lương hưu đối với những người về hưu trước năm 1995, Bộ LĐTB&XH cho biết, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để xử lý vấn đề chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ và mức lương hưu thấp, tuy nhiên khoảng cách lương hưu giữa những người hưởng lương hưu ngày càng cao, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995.

“Bộ LĐTB&XH thường xuyên tiếp nhận các kiến nghị của những người về hưu trước năm 1995 về việc lương hưu thấp; đồng thời, các Đại biểu Quốc hội đã gửi nhiều nội kiến nghị đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu để khắc phục lương hưu của những người về hưu trước năm 1995” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, qua nghiên cứu chính sách cho thấy, nhóm đối tượng này có mức hưởng thấp hơn mặt bằng chung là do đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Chính vì vậy, để rút ngắn chênh lệch, Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh bổ sung theo số tiền tuyệt đối với nhóm đối tượng này.

Trước đề xuất việc tăng lương hưu, tăng trợ cấp xã hội cho các nhóm đối tượng của Bộ LĐTB&XH, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện thêm điều kiện về đời sống cho người nghỉ hưu. Trên thực tế, việc điều chỉnh lương hưu cũng là hết sức bình thường, còn trong các quy định của pháp luật hiện hành tùy theo từng thời kỳ sẽ phải điều chỉnh tăng lương hưu

“Hiện nay nguồn để tăng lương hưu bao gồm 2 nguồn. Trong đó, nguồn đối với người về hưu trước ngày 1/1/1995 sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả, còn những người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở lại đây thì sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu có thể không ảnh hưởng hoàn toàn đến ngân sách Nhà nước mà chỉ chiếm một phần. Do vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu, tăng trợ cấp xã hội là điều cần thiết nhằm ổn định và đảm bảo lưới an sinh xã hội” - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội: Tăng bao nhiêu là phù hợp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO