Điều gì sẽ tới từ cuộc gặp lãnh đạo Nga - Mỹ ?

Khánh Duy 07/07/2017 21:20

Sau nhiều tuần lễ chuẩn bị, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm 8/7, một cuộc gặp được cho là bị phủ bóng bởi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử ở Washington cùng nhiều vấn đề nóng hổi xẩy ra tại Syria, Triều Tiên thời gian qua.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống V.Putin là sự kiện nổi bật tại Hội nghị G20.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức Hamburg (Đức) trong hai ngày 7 và 8/7, hai nhà lãnh đạo được dự kiến sẽ đưa ra hàng loạt các vấn đề chính sách nước ngoài, bao gồm xung đột ở Syria, Ukraine, vấn đề Triều Tiên…nhưng phần lớn sự tập trung của cả hai bên chắc chắn sẽ là cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử mà Washington đang thực hiện.

Trước cuộc họp, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra bình luận trên mạng xã hội rằng ông mong chờ chuyến thăm lần này, thêm rằng có “rất nhiều thứ để thảo luận”.

Trong một cuộc họp báo tại Ba Lan hôm 7/7, ông Trump một lần nữa bác bỏ kết luận mà nhiều cơ quan tình báo Mỹ đưa ra cho rằng Nga can thiệp bầu cử để giúp ông chiến thắng. Tổng thống Mỹ khẳng định rằng, có thể đó là Nga, nhưng cũng có khả năng là nhiều quốc gia khác.

“Không ai thực sự biết chắc về điều đó cả” – Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Ba Lan.

Giới lập pháp và các nhà điều tra liên bang của Mỹ đang tiếp tục đào sâu vào cáo buộc can thiệp bầu cử, và vào mối liên hệ giữa các cố vấn của ông Trump và giới chức Nga. Chính điều này đã đặt ông Trump vào thế khó khi lần đầu trực tiếp gặp gỡ ông Putin.

Phía Nhà Trắng cho hay cuộc gặp được dự kiến sẽ kéo dài 35 phút, khiến dấy lên nhiều câu hỏi liên quan tới việc ai sẽ áp đảo trong cuộc nói chuyện này.

Tổng thống Trump, người luôn tự đặt mục tiêu thu được kết quả trong các cuộc gặp gỡ cấp cao kiểu này, có thể tìm kiếm vài thỏa thuận với Nga để chứng tỏ rằng ông đang đạt được bước tiến giúp khôi phục lại mối quan hệ Nga-Mỹ mà ông từng đánh giá là “thấp kỷ lục”. Ngược lại, Tổng thống Putin cũng có thể mong chờ một số thỏa thuận nhất định.

Danh sách các vấn đề thảo luận giữa lãnh đạo hai siêu cường trải dài từ Syria, Iran, Ukraine cho tới Triều Tiên – đặc biệt sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tuần.

Nga hiện nay đang muốn Mỹ trả lại 2 khu phức hợp ngoại giao tại New York và Maryland từng bị chính quyền Barack Obama đóng cửa như một biện pháp trừng phạt vì can thiệp bầu cử. Moscow cũng mong muốn Mỹ giảm nhẹ các lớp lệnh trừng phạt áp đặt với Nga sau sự kiện Crimea trở lại thành một phần nước Nga.

Trong khi đó, Mỹ muốn khôi phục lại thỏa thuận cho phép gia đình Mỹ nhận nuôi trẻ em Nga, điều mà Nga đã cấm từ năm 2012.

Trước cuộc họp quan trọng, giới lập pháp ở cả hai chính đảng của Mỹ đều kêu gọi ông Trump đề cập với ông Putin về cáo buộc can thiệp bầu cử. Một số thượng nghị sỹ đảng Dân chủ hôm thứ Năm vừa qua đã nói rằng ông Trump sẽ bị coi là “lơ là” trách nhiệm của một Tổng thống nếu như không đề cập về vấn đề này với ông Putin.

“Các kỳ bầu cử trong tương lai không thể trở thành sân chơi cho Nga được” – thủ lĩnh nhóm thiểu số ở Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, nói.

Nghị sỹ Adam Kinzinger, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, trong tuần cũng nói rằng ông sẽ không chịu ngồi im nếu như Tổng thống Trump mềm mỏng với ông Putin.

“Một tuyên bố rằng Nga không can thiệp bầu cử của chúng tôi, trong hiện tại và tương lai, là rất quan trọng với chúng tôi” - ông Kinzinger nói.

Mọi chi tiết về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin sẽ được quan sát một cách hết sức tỉ mỉ, từ thể hiện trên khuôn mặt, cú bắt tay, cho tới màu của chiếc cravat mà họ mang…

Trước khi gặp gỡ Tổng thống Nga, ông Trump cũng đã có cuộc gặp đầy khó khăn với Tổng thống Mexico Enrique Pana Nieto, trong bối cảnh quan hệ hai nước suy giảm mạnh.

Tổng thống Nieto từng lên lịch thăm Nhà Trắng ngay sau khi ông Trump nhậm chức, nhưng sau đó lại hủy vào phút chót do bất đồng khi ông Trump tuyên bố Mexico phải trả tiền để xây dựng bước tường ngăn biên giới hai nước. Tổng thống Trump cũng từng tuyên bố sẽ thắt chặt an ninh biên giới và trục xuất những nhân công trái phép người Mexico đang sinh sống và làm việc ở Mỹ.

Tháng 4 vừa qua, ông Trump đã tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm ba nước Mỹ, Mexico và Canada.

Tuy nhiên ông lại để ngỏ khả năng vẫn rút khỏi hiệp định này nếu hiệp định đàm phán lại không mang tới một thỏa thuận công bằng cho tất cả các bên.

Cuộc gặp với Tổng thống Putin được xem là điểm nhấn trong chuyến công du châu Âu kéo dài 4 ngày của ông Trump, người đã có bài phát biểu trước hàng nghìn người tại Warsaw (Ba Lan) trong hôm thứ Năm. Ông cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và 2 đồng minh châu Á gồm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng gây chú ý bởi là kỳ họp các quốc gia giàu và đang phát triển đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Dù rằng ông từng nói sẽ đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này, nhưng giới lãnh đạo châu Âu vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệp định này mà không có Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều gì sẽ tới từ cuộc gặp lãnh đạo Nga - Mỹ ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO