Điều gì xảy ra nếu Nhật hoàng thoái vị?

Linh Chi 08/08/2016 19:05

Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm đầu tuần, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ ý định truyền ngôi do tuổi đã cao ảnh hưởng đến khả năng làm việc của ông. Tuyên bố được đưa ra sau hàng loạt các báo cáo hồi tháng trước cho hay vị Nhật hoàng 88 tuổi này đang cân nhắc thoái vị.

Điều gì xảy ra nếu Nhật hoàng thoái vị?

Nhật hoàng Akihito tuyên bố về ý định truyền ngôi
trong hôm đầu tuần. (Nguồn: AP).

Dù gia đình hoàng tộc không đưa ra bình luận nào, nhưng hồi tháng Năm vừa qua họ từng tuyên bố rằng Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko, 81 tuổi, sẽ giảm tần suất xuất hiện trước công chúng.

Gia đình hoàng tộc Nhật Bản hiện là gia đình hoàng tộc cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới - một số nghiên cứu cho thấy phả hệ của gia đình hoàng tộc này chưa hề bị gián đoạn trong suốt 14 thế kỷ qua. Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản và là hậu duệ của Nhật hoàng đầu tiên Jimmu, vào khoảng những năm 660 trước CN.

Sinh ra vào tháng 12/1933, Nhật hoàng Akihiti đã chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước Mặt trời mọc như Thế chiến II, sự thất bại của chủ nghĩa phát xít và thời kỳ bị nước ngoài chiếm đóng. Ông hiện cũng là người duy nhất trên thế giới giữ danh hiệu Hoàng đế và cũng là Hoàng thái tử đầu tiên của Nhật Bản cưới một thường dân.

Việc một vị Nhật hoàng thoái vị đã từng có tiền lệ, đó là Nhật hoàng Kokaku vào cuối thời Edo (1603-1868).

Hiến pháp Nhật Bản hiện nay quy định Nhật hoàng sẽ tại vị cho đến khi ông qua đời, bởi vậy để Nhật hoàng Akihito thoái vị, nước này sẽ cần xem xét tại điều luật về hoàng gia. Mọi thay đổi sẽ cần có sự thông qua của Quốc hội Nhật Bản, một tiến trình có thể gồm một cuộc tranh luận rộng rãi liên quan tới mối quan hệ giữa hoàng tộc và nhà nước, vai trò của Nhật hoàng đối với nước Nhật thời hiện đại và cả luật kế vị.

Hiến pháp Nhật cũng quy định ngai vàng cần phải được truyền cho một vị Hoàng tử, mà trong trường hợp này là Hoàng thái tử Naruhito, 56 tuổi.

Với những lời kêu gọi từ giới chính trị gia và học giả Nhật Bản về bình đẳng giới, và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) cũng từng nói sẽ cân nhắc việc thay đổi luật pháp để cho phép một người phụ nữ kế vị ngai vàng, giới phân tích cho rằng việc ai sẽ kế vị Nhật hoàng Akihito sẽ trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm.

Điều này cũng có thể gây chia rẽ sâu sắc tại Nhật Bản, bởi đối với những người có tư tưởng bảo thủ thì vị trí Hoàng đế của họ là hết sức thiêng liêng và không thể truyền cho một người phụ nữ được.

“Cho dù dư luận có ủng hộ ý tưởng này, thì Quốc hội Nhật cũng khó có thể sửa đổi quy định về truyền ngôi” - ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple Nhật Bản, cho hay.

Thái tử Naruhito đã cưới vợ ông là Công chứa Masako trong năm 1993, nhưng chỉ ít lâu sau đó, bà lại bị ảnh hưởng tới sức khỏe do một chứng bệnh liên quan tới căng thẳng đầu óc.

Vốn là một nhà ngoại giao có khả năng nói nhiều ngôn ngữ, nhiều người từng hy vọng rằng Công chúa Masako sẽ là người tại nên lịch sử mới cho nước Nhật trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới. Thế nhưng không may thay, kể từ sau cuộc hôn nhân, sự nghiệp của bà suy tàn dần, bà cũng trở nên ít nói hơn. Nhiều báo cáo cho rằng bà bị stress nặng do phải chịu sức ép của gia đình hoàng tộc.

“Người dân rất quan tâm tới tình trạng sức khỏe không ổn định của bà ấy” - ông Kingston nói - “Nhưng mới đây bà ấy đã có một vài lần xuất hiện trước công chúng. Người ta hy vọng rằng bà ấy có thể hỗ trợ cho Thái tử Naruhito cũng giống như điều mà Hoàng hậu Michiko đã làm cho Nhật hoàng Akihito trước đây”.

Nhật hoàng Akihito là người luôn thể hiện sự hối hận đối với hành động của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20. Năm 1992, nhân chuyến thăm đầu tiên của mình tới Trung Quốc, ông từng nói rằng ông rất lấy làm tiếc về cách đối xử của Nhật Bản đối với người Trung Quốc trước và sau cuộc chiến.

Năm 2015, ông cùng con trai, Hoàng thái tử Naruhito, cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Bản thân tôi không tham gia vào cuộc chiến… nhưng tôi nghĩ rằng ngày nay, khi ký ức về chiến tranh đang phai nhạt, điều quan trọng là phải nhìn lại quá khứ một cách khiêm nhường và truyền ký ức tồi tệ đó cho thế hệ chưa có hiểu biết về chiến tranh một cách chính xác”.

Dù phát biểu năm đó phần nào gây không ít tranh cãi ở nước Nhật, nhưng cho đến nay, Nhật hoàng Akihito vẫn giữ vai trò là một người hòa giải xuất sắc. Người ta hy vọng người kế vị ông cũng sẽ đảm đương vai trò tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều gì xảy ra nếu Nhật hoàng thoái vị?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO