Từ 19h ngày 30/1, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh theo hướng tăng giá xăng dầu trên cơ sở điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương: Thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 11/1/2023 - 30/1/2023 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19; tác động của việc áp dụng giá trần do phương Tây áp đặt lên dầu mỏ của Nga; đồng USD yếu hơn cộng với việc OPEC+ được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được cải thiện;… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/1/2023 cho đến ngày 30/1/2023 là: 98.859 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 10.239 USD/thùng, tương đương tăng 11,55% so với kỳ trước); 102.269 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10.247 USD/thùng, tương đương tăng 11,14% so với kỳ trước); 117.710 USD/thùng dầu hỏa (tăng 7.993 USD/thùng, tương đương tăng 7,29% so với kỳ trước); 116.994/thùng dầu điêzen (tăng 8.414 USD/thùng, tương đương tăng 7,75% so với kỳ trước); 397,803 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 26,648 USD/tấn, tương đương tăng 7,18% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Trước diễn giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, liên bộ Bộ Công Thương - Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành giá xăng dầu vào ngày 30/1/2023.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với dầu điêzen ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 605 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 650 đồng/lít); dầu Mazut ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/lít). Thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước chi 121 đồng/lít); xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít (kỳ trước chi 103 đồng/lít).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 không cao hơn 22.329 đồng/lít (tăng 977 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 818 đồng/lít;
Xăng RON95-III: không cao hơn 23.147 đồng/lít (tăng 993 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 22.524 đồng/lít (tăng 890 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);
Dầu hỏa không cao hơn 22.576 đồng/lít (tăng 767 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.934 đồng/kg (tăng 568 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Về thời gian thực hiện: Trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 19h ngày 30/1/2023. Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 19h ngày 30/1/2023 đối với các mặt hàng tăng giá.
Kể từ 19h ngày 30/1/2023, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định.
[Kỳ điều hành xăng dầu đầu năm 2023, giá xăng có thể tăng vọt]