Điều ít biết về nhà tù Guantanamo

Linh Chi 17/08/2016 09:35

Mỹ mới đây tuyên bố đã chuyển giao 15 tù nhân tại nhà tù Vịnh Guantanamo cho Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong một đợt chuyển tù nhân lớn nhất khỏi nhà tù này dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Vậy đây có phải một bước tiến mới trong kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn nhà tù gây tranh cãi này?

Điều ít biết về nhà tù Guantanamo

Một tù nhân được trả tự do tại nhà tù trên Vịnh Guantanamo. (Nguồn: Sputnik).

Lầu Năm Góc hôm 16/8 cho hay đợt chuyển giao tù nhân vừa qua gồm 12 công dân Yemen và 3 công dân Afghanistan, hạ tổng số tù nhân tại nhà tù của Mỹ ở Cuba này xuống còn 61 người. Được biết, các tù nhân này đã bị giam giữ mà không chịu cáo buộc gì cả, và có người bị giam tới nay đã 14 năm.

Nhà tù trên Vịnh Guantanamo

Nhà tù Guantanamo là một cơ sở giam giữ thuộc một căn cứ hải quân Mỹ nằm ở khu vực Đông Nam Cuba, một cơ sở mà Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố sẽ đóng cửa trước khi rời khỏi Nhà Trắng. Nhà tù này được thiết lập bởi cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush hồi tháng 1/2002 chủ yếu dành cho các nghi phạm khủng bố nước ngoài sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Kẻ từ đó đến nay, có khoảng 779 người đã bị giam giữ tại nhà tù này.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã nói rằng sự tồn tại của một c sở như vậy đã gây tổn hại cho mối quan hệ của Mỹ đối với các quốc gia từng giúp đỡ họ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ông cũng nói rằng nhà tù tại Vịnh Guantanamo đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ và làm ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Điều khiến cho nhà tù này bị phản đối cực kỳ mạnh mẽ là hầu hết các tù nhân ở đây đều chưa qua quá trình luận tội và chịu sự hành xử phi nhân tính cùng các đòn tra tấn dã man. Hồi tháng Hai vừa qua, Tổng thống Obama cũng nhắc lại vấn đề đóng của nhà tù này, trong đó nhấn mạnh rằng không có một tù nhân nào tại đó từng bị kết án cả.

Tổng thống Obama còn cho hay chính cơ sở giam giữ này đã “tạo cảm hứng” cho việc tuyển bộ những kẻ thánh chiến. Ngoài ra, chi phí để cơ sở vận hành này cũng rất đắt đỏ - 445 triệu USD/năm.

Vì sao chưa bị đóng cửa?

Để đóng cửa nhà tù trên Vịnh Guantanamo không phải điều mà Tổng thống Obama có thể tự quyết định được mà cần sự phê chuẩn từ Quốc hội, trong khi cả Thượng viện và Hạ viện giờ đều chiếm phần đông là các chính trị gia đảng Cộng hòa – những người ủng hộ việc duy trì nhà tù này.

Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và là thành viên đảng Cộng hòa, đã lên án việc chuyển giao tù nhân vừa qua, nói rằng: “Một lần nữa, những kẻ khủng bố đang được trả tự do tại các quốc gia khác, nơi mà chúng sẽ trở thành một mối đe dọa”.

Ứng viên đại diện đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống, tỷ phú Donald Trump, cũng từng tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ lấp đầy nhà tù Guantanamo bằng “những kẻ xấu” và “mang tới thêm nhiều các đòn tra tấn còn tồi tệ hơn là Waterboarding (Trấn nước – một đòn tra khảo khét tiếng tại nhà tù này)”.

Một vấn đề khác khiến cho nhà tù này chưa thể bị đóng cửa là cách xử lý số tù nhân còn lại – mà Tổng thống Obama từng có kế hoạch mang ra xét xử tại Mỹ. Tuy nhiên, từ trước đến nay mới chỉ có duy nhất 1 tù nhân Guantanamo được chuyển tới Mỹ để xét xử, đó là Ahmed Ghailani, công dân Tanzania, bị xử tù chung thân hồi năm 2011.

Công dân Afghanistan và Yemen chiếm đến hơn 60% số tù nhân ở Guantanamo, số còn lại đến từ khoảng 50 quốc gia khác nhau. Phần lớn trong số 779 tù nhân tại đây đã được trả tự do dưới thời Tổng thống George W Bush, 9 tù nhân khác bị chết trong tù. Bắt đầu từ thời chính quyền Obama, thường xuyên có các đợt trả tự do hoặc chuyển giao tù nhân, với tổng số 161 người.

Những nhân vật khét tiếng

Sau đợt chuyển giao mới nhất thì số lượng tù nhân ở Guantanamo chỉ còn 61 người, trong số này có 19 người đã được lên kế hoạch trả tự do trong đợt tới. Ngoài ra còn có một số nhân vật cộm cán trong mạng lưới khủng bố quốc tế hiện đang ở nhà tù này.

Trong số đó là Khalid Sheikh Mohammed, một thủ lĩnh trong hàng ngũ của mạng lưới khủng bố al-Qaeda từng bị buộc tội trong sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 và thừa nhận đã tự tay hành quyết nhà báo Mỹ bị bắt cóc Daniel Pearl hồi năm 2002. Ramzi Binalshibh, một thành viên cao cấp khác của al-Qaeda có liên quan tới vụ khủng bố 11-9 khi cố gắng cướp một chiếc máy bay nhưng thất bại do không được cấp visa của Mỹ.

Mustafa Ahmad al-Hawsawi, kẻ bị nghi là cố vấn tài chính của Khalid Sheikh Mohammed, từng rót tiền cho những kẻ gây ra vụ khủng bố 11/9. Cuối cùng là Walid Bin Attash, kẻ có liên quan tới việc lên kế hoạch vụ đánh bom Đại sứ quán Đông Phi hồi năm 1998 và đánh bom tàu USS Cole của Mỹ, kẻ này cũng từng là vệ sỹ của trùm khủng bố Osama bin Laden.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều ít biết về nhà tù Guantanamo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO