Bất lực với nạn cát tặc

Nguyễn Chung 07/09/2019 08:00

Thời gian gần đây, các đối tượng hút trộm cát trên địa bàn xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) thường xuyên uy hiếp người dân phản ứng bằng cách ném chất bẩn vào nhà để “dằn mặt”, khiến người dân hoang mang.

Bất lực với nạn cát tặc

Các thuyền hút cát luôn thường trực trên tuyến sông Chu đoạn chảy qua xã Thiệu Hợp (Thanh Hóa).

Dữ như cát tặc

Thời gian vừa qua, gia đình ông Quản Hữu Vinh – thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa luôn phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng bởi côn đồ đã hai lần ném “bom” bẩn vào nhà để uy hiếp, vì ông đã có hành động quay phim, tố cáo nạn hút cát trộm ngay sát chân đê sông Chu, đoạn chạy qua xã. Vốn là cán bộ công an về hưu, bức xúc và lo lắng trước nạn khai thác trái phép vào sát chân đê, ngày 19/8, ông Vinh dùng điện thoại của mình, ghi lại cảnh các thuyền cát đang sục vòi rồng vào sát chân đê để hút cát. Ngay tối hôm ấy, khi cả nhà đã ngủ say, nhiều đối tượng côn đồ đã ném chất bẩn vào nhà ông Vinh để “cảnh cáo”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Vinh báo cáo lên chính quyền xã, UBND xã Thiệu Hợp báo cáo lên cơ quan Công an huyện Thiệu Hóa. Ngày 24/8, lực lượng công an đã xuống lập biên bản, lấy lời khai của gia đình. Tuy nhiên, ngay trong tối ngày 24/8, các đối tượng côn đồ lại tiếp tục ném “bom” bẩn vào nhà ông Vinh với số lượng lớn hơn. Hành động côn đồ và thách thức pháp luật này của các đối tượng khai thác cát trái phép đang khiến người dân Thiệu Hợp và các xã lân cận như Thiệu Duy, Thiệu Khánh hết sức hoang mang.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 3 mỏ cát đang được hoạt động trên sông Chu. Trong đó, tại các xã Thiệu Duy, Thiệu Khánh có 2 mỏ. Trong số đó, 1 mỏ là của Công ty TNHH Tuấn Minh và mỏ số 2 đoạn giáp ranh giữa xã Thiệu Hợp với xã Thiệu Duy, Thiệu Tân là của Công ty TNHH Thanh Tâm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số lượng thuyền hút cát vi phạm trên toàn huyện mà phía UBND huyện Thiệu Hóa đã lập biên bản và xử lý là hơn 20 vụ.

Theo người dân, quá trình hoạt động của các mỏ cát này thường xuyên khai thác không đúng phạm vi. Các tàu thuyền thường lợi dụng đêm tối để hút cát ngoài phạm vi cho phép như ở các bãi bồi người dân đang canh tác nông nghiệp và sát chân đê để có được số lượng nhiều và chất lượng cát đẹp. Điều này khiến bà con địa phương không khỏi lo ngại vì đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều và gây hiện tượng xói lở trầm trọng diện tích đất nông nghiệp.

Về thực trạng hút cát tràn lan, có dấu hiệu coi thường pháp luật của các đối tượng trên, ông Quản Trọng Liên- Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cho biết: Toàn xã có hơn 7 ha đất màu nằm ở ngoại vi đê, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, do tác động của dòng chảy và nạn khai thác cát trộm, diện tích đất nói trên đã bị sụt giảm đi khoảng gần 1ha. “Tình trạng sạt lở, gây mất đất sản xuất khiến người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là việc họ cắm vòi vào hút cát ở sát chân đê. Nếu không có biện pháp mạnh để xử lý, tuyến đê xung yếu này bị xâm hại là điều khó tránh khỏi”- ông Liên lo lắng.

Huyện “đùn” cho xã

Tình trạng hút trộm cát tại các xã ven sông Chu thuộc các địa phương nêu trên đã diễn ra trong suốt nhiều năm, nhưng tại sao chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không thể xử lý dứt điểm? Trả lời cho câu hỏi này, ông Quản Trọng Liên khẳng định: Phía chính quyền xã không hề buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Thậm chí các xã còn liên tục duy trì, cắt cử lực lượng để bảo vệ, canh giữ không để các đối tượng hút cát cho thuyền khai thác ngoài phạm vi của mỏ. UBND huyện Thiệu Hóa có chỉ đạo về cấp xã là giám sát các mỏ này không để tình trạng hút trộm cát xảy ra. Nếu công ty nào vi phạm thì bên UBND xã được quyền lập biên bản tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì rất khó. Vì có khi lượng cát hút được lên thuyền dưới 6m3 thì theo quy định không đủ cơ sở để lập biên bản. Hay khi có động tĩnh từ chính quyền thì các thuyền này lại chạy vào trong vị trí mỏ được cấp phép và “nằm im” như vô can.

Theo ông Liên, cái khó lớn nhất mà chính quyền xã đang gặp phải là vấn đề kinh phí hoạt động. Khi mà các công an viên có mức lương quá thấp, cộng thêm có sự dao động khi có thông tin sẽ bổ sung lực lượng công an chính quy về các xã nên tinh thần làm việc không còn cao như trước. Điều này gây khó khăn trong việc huy động lực lượng tham gia bảo vệ, giám sát các mỏ khai thác cát để các mỏ hoạt động đúng quy định. Ông Liên cho rằng: Nên thành lập ban quản lý mỏ để bảo vệ cũng như kiểm soát vấn đề tàu thuyền trên các mỏ này.

Cũng nói về vấn nạn cát tặc nêu trên, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Hiện nay địa bàn huyện có tới 17 xã có sông và có cát thì huyện không thể làm thay các xã trong công tác quản lý, giám sát được. Mà quan trọng là chính quyền cấp cơ sở phải có phương án tại chỗ để ngăn ngừa vấn đề này. Đề cập đến việc các xã không có nguồn kinh phí phân bổ cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến vi phạm về hút cát trái phép, ông Phúc cũng thẳng thắn: Năm ngoái chúng tôi đã chi ra vài tỷ đồng để hỗ trợ mua tàu thuyền ca nô cũng như kinh phí trực cho các xã. Còn sang năm nay, không chỉ xã không có kinh phí mà ngay cả huyện cũng không có nguồn dự phòng để bố trí.

Giải pháp mà phía UBND huyện Thiệu Hóa đưa ra trong thời gian tới nhằm khắc phục vấn đề trên là tăng cường hơn nữa tính hiệu quả trong hoạt động của đội liên ngành. Hiện tại, đội liên ngành của huyện thành lập có 9 thành viên (trong đó, Trưởng phòng TNMT huyện làm tổ trưởng, 1 phó công an huyện làm tổ phó, 1 phó phòng TNMT giữ nhiệm vụ tổ phó). Hiện tại, đội liên ngành đã được trang bị 2 cano, túc trực 24/24h.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất lực với nạn cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO