Rừng phòng hộ bị phá tan hoang

Điền Bắc 30/05/2020 08:00

Dù chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đầy 1km, lại nằm trên trục đường lớn, nhưng khi khu rừng bị phá tan hoang, chính quyền địa phương không hề hay biết. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm cho rằng họ đang thu hoạch những cây rừng bị cháy.

Rừng phòng hộ bị phá tan hoang

Rừng phòng hộ tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên dù chưa được UBND tỉnh cho phép khai thác, đã bị chặt phá rầm rộ.

Khu rừng phòng hộ nói trên nằm trên địa bàn xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Theo phản ánh của người dân, trong nhiều ngày qua, khu rừng này đang bị đốn hạ, rồi bốc lên xe chở đi tiêu thụ. Cánh rừng này chỉ cách UBND xã Hưng Yên Nam khoảng hơn 1km, tuy nhiên tình trạng phá rừng diễn ra không kể ngày đêm, khiến người dân vô cùng bức xúc. Tại xóm 1, xã Hưng Yên Nam, khi hỏi người dân về khu vực rừng phòng hộ đang khai thác thì ai cũng biết và chỉ tường tận. Theo đó, từ con đường lớn của xóm 1 đi xã Nam Xuân (Nam Đàn), đi một đoạn nhìn từ xa sẽ thấy 2 quả đồi trơ trọi, trên đó là “công trường” khai thác gỗ thông.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi vào con đường mới được mở. Tại đây, nhiều cây thông đã bị đốn hạ lá đã khô, đường kính gốc cây từ 20cm đến 30cm. Leo hết một quả đồi thì thấy một số người đang bốc những cây thông đã được cưa thành từng khúc, chất đống, đang được một số người bốc lên xe, xung quang đó là những gốc thông mới được đốn hạ, lá vẫn còn tươi. Giữa trời nắng to, nhiều cành thông bị phơi lâu ngày cháy sém, cả một khu vực rừng phòng hộ trở nên trơ trọi.

Sau khi ghi nhận tình trạng phá rừng phòng hộ và có người đang bốc xếp gỗ lên xe để chở đi tiêu thụ, chúng tôi thông báo bằng điện thoại với ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam. Ông Hiếu quả quyết: “Làm gì có tình trạng phá rừng phòng hộ, chúng tôi sẽ cho anh em lên kiểm tra ngay”. Còn ông Nguyễn Văn Hiến - Phó hạt kiểm lâm Hưng Nguyên khi trao đổi về tình trạng phá rừng phòng hộ ở xã Hưng Yên Nam cho biết: “Khu vực rừng đó là rừng phòng hộ, nhà nước trồng và giao cho người dân bảo vệ. Chỗ đó, năm 2018 đã bị cháy, đầu năm 2020 chúng tôi có văn bản xin cắt những cây thông bị cháy để trồng cây mới, nhưng chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh. Sau khi nhận được thông tin, ngay chiều hôm qua đã cho anh em vào kiểm tra, sáng nay thuê xe vào bốc số gỗ bị chặt về trạm, chưa xác định được đối tượng khai thác. Chúng tôi đang cho anh em mời người dân được thuê bảo vệ lên để làm việc”.

Quá trình tìm hiểu được biết, trước đó vào ngày 16/3/2020 UBND huyện Hưng Nguyên đã ban hành công văn số 280/UBND - NN do ông Lê Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên ký có nội dung: Năm 2018 trên địa bàn huyện xảy ra cháy rừng, trong đó có diện tích rừng trồng thông phòng hộ thuộc chương trình 327 bị thiệt hại 4,22ha tại xã Hưng Yên Nam, sau thời gian chăm sóc bảo vệ, diện tích bị cháy khả năng phục hồi được 10%. Xét tình hình thực tế địa phương, để đảm bảo việc phủ xanh đất trống kịp thời, tránh các hành vi cố ý trục lợi, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn toàn huyện, UBND huyện kính đề nghị Sở NN và PTNN, chi cục kiểm lâm Nghệ An xem xét cho phép không tiến hành thanh lý diện tích rừng bị cháy nói trên mà cho phép các hộ nhận khoán thực hiện việc trồng lại rừng (rừng thông thuần loài) trên diện tích bị cháy, giữ nguyên hiện trạng cây còn sống, tiếp tục chăm sóc, bảo vệ để phục hồi.

Tuy nhiên, đến nay, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Sở NNPTNT Nghệ An vẫn chưa đưa ra phương án xử lý hơn 4h rừng thông bị cháy năm 2018. Dù đang quá trình chờ đợi sự đồng ý của cấp trên thì xảy ra việc khai thác rừng phòng hộ nói trên. Cánh rừng phòng hộ nằm sát đường lớn, gần nhà dân, cách UBND xã Hưng Yên Nam chỉ tầm hơn 1km. Đứng ở đường vào xóm 1 đã có thể nghe thấy tiếng máy cưa cắt gỗ, xe vận chuyển gỗ ra cũng phải ra đường lớn. Vậy mà vẫn diễn ra tình trạng phá rừng trong nhiều ngày với số lượng lớn, mà cơ quan chức năng lại không hay biết, khiến người dân cho rằng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng phòng hộ bị phá tan hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO