Dỡ bỏ ‘chốt chặn’, dòng chảy thông thoáng

Nam Việt 04/03/2021 06:30

Vào lúc 0h ngày 3/3/2021, toàn tỉnh Hải Dương kết thúc thời gian cách ly trong phòng chống dịch Covid-19; riêng hai điểm nóng nhất là thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng dỡ bỏ tình trạng phong tỏa. Hải Dương bắt đầu chuyển sang trạng thái mới.

Người dân thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) trước thời khắc công bố dỡ phong tỏa lúc 0h ngày 3/3/2021. Ảnh: Đ.Tùy.

Đó là tin rất vui khi suốt hơn tháng qua cả nước hướng về Hải Dương - địa phương bùng phát đợt dịch mới với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việc kiểm soát tốt vùng dịch Hải Dương một lần nữa khẳng định thành công của đất nước trong phòng, chống dịch Covid-19. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta đã phải đương đầu với 3 lần bùng phát dịch bệnh, lây nhiễm trong cộng đồng. Cả 3 lần ấy, với quyết tâm rất cao, chủ trương sáng suốt, sự đồng lòng của cả nước nên dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, dập tắt.

Số người lây nhiễm SARS-CoV-2 rất ít, số ca tử vong do Covid-19 cũng rất ít. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan mà luôn cảnh giác cao độ, với phương châm chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong, sẵn sàng khẩn trương, thần tốc truy vết, xét nghiệm khi tình hình xấu xảy ra.

Trong đợt dịch thứ 3 này, không chỉ Hải Dương, Quảng Ninh lo lắng, mà với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh - hai đô thị lớn với số dân rất đông, lại là đầu mối liên kết với nhiều địa phương thì tình hình cũng được cho là nguy cơ rất cao, đặc biệt là lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, với sự phản ứng quyết liệt, những nơi có ca lây nhiễm lập tức được phong tỏa, xử lý triệt để. Vì thế, cùng với việc dập được dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh thì việc bảo vệ an toàn cho Hà Nội, TP HCM trước Covid-19 cũng là thành công rất lớn.

Cho tới nay, khi tỉnh Hải Dương chính thức kết thúc cách ly, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) mở cửa trở lại thì một lần nữa đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới, đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu và cũng là định hướng, là quyết tâm ấy đã được thực hiện trong suốt hơn 1 năm qua. Điều mà rất ít quốc gia trên thế giới dám làm và làm được. Năm 2020, kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng với GDP tăng trưởng âm 4%. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương 2,91%. Đặc biệt, trong bối cảnh “bế quan tỏa cảng” mang tính toàn cầu thì xuất siêu của Việt Nam trong năm đầy gian khó 2020 vẫn đạt mức hơn 19 tỉ USD.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, những con số đưa ra thật phấn khởi. Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, trong lúc dịch bệnh bùng phát rất mạnh, lại là thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nhưng xuất nhập khẩu của đất nước vẫn đạt gần 96 tỉ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng gần 23%, xuất siêu 1,3 tỉ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4%, số vốn đăng ký tăng hơn 52%.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu kép đặt ra đã và đang thực hiện tốt. Những nỗ lực khẩn trương phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát đã tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng cho doanh nghiệp, người dân, từ đó giữ được nhịp độ phát triển. Trong khó khăn còn đạt được những kết quả như thế, thì mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP của đất nước năm 2021 ở mức từ 6,5% đến 6,8% là rất khả thi.

Trở lại câu chuyện vùng có dịch ở Hải Dương thời gian qua, càng cho thấy quyết tâm phát triển kinh tế ngay trong lúc khó khăn của chúng ta mạnh mẽ đến mức nào. Chỉ sau vài ngày nông sản, hàng hóa ra vào Hải Dương bị cản trở, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không được ngăn sông cấm chợ; phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh là rất quan trọng nhưng cũng không thể vì thế mà áp dụng những biện pháp cực đoan, gây ách tắc, đình đốn. Bộ Công thương đã ra văn bản hướng dẫn về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch. Các “chốt chặn” bị dỡ bỏ, tạo dòng chảy thông thoáng.

Cùng với tinh thần tương thân tương ái của người dân qua đợt giải cứu nông sản vừa rồi, thì những quyết sách, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng tháo gỡ bế tắc, tạo ra dòng chảy, lưu thông ngay cả trong lúc phải áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao.

Nay, cho dù vẫn còn có ca SARS-CoV-2 mới phát hiện, nhưng nhìn chung con đường lây nhiễm ra cộng đồng đã bị chặt đứt. Trong tình thế đó việc đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ được đẩy mạnh. Kiểm soát, dập dịch là để bảo vệ sức khỏe nhân dân và cũng là để có điều kiện phát triển sản xuất, đời sống.

Thành công của kiểm soát dịch phải đi liền với thành công trong sản xuất kinh doanh thì mới là thành công trọn vẹn. Không vì chống dịch mà ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi dịch đã được kiểm soát, tinh thần rất cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, ngay từ hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dỡ bỏ ‘chốt chặn’, dòng chảy thông thoáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO