Độ lùi cần thiết để bảo tồn di sản

L.Sơn 24/03/2021 08:00

Trước thông tin về việc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 137/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, trong đó “xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10”, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này là “độ lùi” rất cần thiết để Hà Nội bảo tồn những giá trị di sản riêng có.

Phối cảnh nhà ga C9.

Vậy là sau gần hai năm “bặt tin” về số phận công trình ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội đã “lên tiếng” trở lại bằng việc hối thúc cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, bổ sung 3 phương án, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ba phương án nghiên cứu gồm: 1/ Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II). 2/ Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các Sở, ngành thành phố thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND TP thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9. Và 3/ Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...

Phân tích những phương án mà lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa đề xuất, nhiều chuyên gia bảo tồn di sản văn hoá hoan nghênh tinh thần này, đồng thời nhấn mạnh đây là “độ lùi” cần thiết và quan trọng để chúng ta giữ được cảnh quan không gian cũng như sự an toàn cho các di tích nơi đây.

Góp ý kiến về phương án 3 là bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho biết, ngay từ những ngày đầu góp ý cho tổng thể dự án này nói chung và ga ngầm C9 nói riêng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực và bộ, ngành, tổ chức có liên quan đã bày tỏ quan điểm với lãnh đạo thành phố Hà Nội, đơn vị tư vấn là không nên bố trí nhà ga ngầm C9 ở vị trí như hiện nay. Nếu bố trí tại một vị trí nhạy cảm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều công trình di tích lịch sử, văn hoá của Thủ đô, tạo nên áp lực giao thông khi nơi đây sẽ đón một lượng khách rất lớn. Đó là còn chưa kể sẽ gây nên dư luận không tốt.

Trước đó, ngày 25/9/2019, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội “cam kết với Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm khi thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độ lùi cần thiết để bảo tồn di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO