Đô Lương, Nghệ An: Bị truy tố vì can ngăn ẩu đả?

Nhóm PV 07/10/2021 13:29

Đang nấu cơm trưa, anh Trần Văn Sơn nghe tiếng cha và chú cãi nhau ngoài ngõ nên chạy ra can ngăn. Từ việc làm tưởng như hợp lý ấy, anh Sơn bỗng dưng trở thành “tội phạm”.

Nguồn cơn sự việc

Ngày 11/5, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã ban hành bản cáo trạng số 53/CT-VKS-ĐL, truy tố Trần Văn Sơn (44 tuổi, trú tại xóm 4, xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương) về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, vào khoảng 10h15, ngày 15/1, anh Trần Văn Sơn đang nấu cơm thì nghe tiếng bố vợ là ông Lê Đức Mười (81 tuổi) và chú ruột vợ là ông Lê Đức Đượi (79 tuổi) đang cãi nhau ở khu vườn nhà ông Đượi (đối diện nhà anh Sơn).

Sơn chạy ra xem thì thấy hai tay ông Đượi cầm hai con dao và đang ghì chặt ông Mười vào bờ tường, tay phải vung dao chém mạnh vào trụ tường, tay trái cầm dao huơ lên.

Anh Sơn chạy lại dùng 2 tay giữ chặt tay trái của ông Đượi để giành lấy con dao thì ông Đượi ném con dao lên phía trước.

Ông Mười thoát khỏi được sự khống chế của ông Đượi, liền đi lên phía trước nhặt con dao mà ông Đượi vừa ném, rồi đi về nhà.

Hiện trường vụ việc là trước nhà ông Lê Đức Đượi, trú tại xóm 4, xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương.

Bị anh Sơn khống chế, ông Đượi dùng tay phải đấm mạnh vào mắt phải của anh Sơn. Bị đấm bất ngờ và đau, anh Sơn phản kháng lại bằng hai, ba cái đấm vào mặt ông Đượi.

Sau khi bị anh Sơn đấm, ông Đượi vung dao chém về phía anh Sơn (cáo trạng dùng từ “nhử chém”). Do anh Sơn giơ tay phải lên để đỡ nên dao chém chảy máu ở mu bàn tay... Dù bị thương nhưng anh Sơn đã chộp được phần sống dao và kéo về phía mình nhằm tước con dao (là hung khí) khỏi tay ông Đượi.

Hai bên dùng sức mạnh của mình “kéo co” với nhau bằng con dao, bất ngờ anh Sơn buông tay làm ông Đượi mất thăng bằng, lùi lại phía sau và va đầu vào bờ tường, rơi dao. Ông Đượi kịp vớ được 1 đoạn tre và phang vào lưng anh Sơn…, anh Sơn bỏ chạy về nhà.

Những mâu thuẫn cần làm rõ

Sau khi sự việc xảy ra, mọi sinh hoạt của ông Đượi vẫn diễn ra bình thường tại ngôi nhà đối diện. Tuy nhiên, chiều hôm đó, theo trình báo của ông Đượi, Công an xã Bắc Sơn đã về lấy lời khai của ông Đượi, ông Mười và anh Sơn.

Khoảng 16h cùng ngày, ông Đượi được con trai đón về TP Vinh và đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông khám.

Kết quả giám định thương tích của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Nghệ An thực hiện vào chiều tối ngày 15/1 và 19/1 cho thấy: Ông Đượi có 4 vết thương trên cơ thể, trong đó 3 vết ở phần đầu và 1 vết ở tay.

Tuy nhiên, chỉ vết thương tại đỉnh đầu bên phải tụ máu dưới da đầu kích thước 5x5 cm có kết quả tỷ lệ thương tích là 11%. Các vết thương còn lại, tỷ lệ thương tích là 0%.

Nghi ngờ về kết quả giám định trên, ngày 2/3, anh Sơn gửi đơn khiếu nại và ngày 26/3 (2 tháng 11 ngày từ khi xảy ra vụ án), Viện Pháp y Quốc gia giám định lại thương tích ông Đượi.

Kết quả là: “vết thương tại đỉnh đầu bên phải tụ máu dưới da đầu kích thước 5x5 cm” của ông Đượi giảm xuống còn 10%, nhưng “vết xây xát ở đốt 1 ngón cái tay phải” từ 0% đã cho kết quả 1%.

Với kết quả giám định này, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương đã điều tra, truy tố Trần Văn Sơn về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ, khoản 2 Điều 134 Bộ Luật Hình sự.

Để rõ hơn, chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Nguyễn Cao Trí (Văn phòng luật Cao Trí). Qua xem xét các hồ sơ, luật sư Trí cho rằng, việc cơ quan điều tra khởi tố Trần Văn Sơn về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm đ, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là chỉ dựa vào đơn yêu cầu khởi tố và tỷ lệ thương tật của ông Đượi mà chưa xem xét thấu đáo đến nguyên nhân của vụ việc cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của anh Sơn với hậu quả thương tích 11% của ông Đượi.

Bởi, theo như mô tả của cáo trạng thì anh Sơn là người ra can ngăn vụ việc xô xát giữa ông Mười với ông Đượi và tạo nên xung đột với ông Đượi…

Khi xảy ra xung đột, chính ông Đượi là người có lỗi đã đánh vào mắt phải của Trần Văn Sơn dẫn đến việc anh Sơn đánh trả lại vào mắt ông Đượi.

Tại phần kết luận của cáo trạng cũng nêu rất rõ, “hai người giằng co nhau chiếc dao thì Sơn buông tay làm ông Đượi ngã đập đầu vào tường gây thương tích 11%…”.

"Từ mô tả lại sự việc đến phần nhận định và kết luận nêu trong cáo trạng, như vậy thì ông Đượi là người có lỗi trước, việc anh Sơn có đánh lại ông Đượi là sự phản kháng tự nhiên sau khi bị ông Đượi đánh", luật sư Trí phân tích.

Cũng theo luật sư Trí, việc ông Đượi bị ngã ra phía sau là do hai bên giằng co nhau chứ không phải do anh Sơn đẩy ông Đượi ngã. Ở đây cơ quan công tố đã cho rằng, ông Đượi bị ngã là do anh Sơn buông ta khi đang giằng co nhau để quy kết cho anh Sơn cố ý gây thương tích, điều này là thiếu cơ sở.

"Bởi sự buông tay của anh Sơn trong trường hợp này chưa có gì đảm bảo đó là sự cố ý làm cho ông Đượi ngã hay sự vô tình. Mặt khác, sự buông tay của anh Sơn liệu có phải vì mục đích hướng tới gây thương tích cho ông Đượi hay không thì kết luận điều tra và cáo trạng chưa làm rõ…", vị luật sư đặt câu hỏi.

Bàn tay phải anh Sơn bị dao cứa trong quá trình giằng co.

Như vậy hành vi của anh Sơn chưa đảm bảo các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hay tổn hại sức khỏe cho người khác (đặc biệt là yếu tố về mặt khách quan và chủ quan), thương tích (nhất là về mặt khách quan, chủ quan) của tội cố ý gây thương tích trong trường hợp này là chưa đảm bảo…

Xin lưu ý từ đầu đến cuối của vụ việc đều thể hiện rất rõ ông Đượi luôn là người có lỗi và chủ động trong mọi tình huống và trong tay luôn có hung khí.

Mặt khác, kết quả giám định thương tích của 2 cơ quan chức năng được nêu trong cáo trạng có mâu thuẫn. Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Nghệ An cho kết quả tỷ lệ 11% thương tích đối với vết thương “vết thương tại đỉnh đầu bên phải tụ máu dưới da đầu kích thước (5x5) cm”. Nhưng, 2 tháng 11 ngày sau, Viện Pháp y Quốc gia kết luận tỷ lệ thương tích của vết thương này là 10%. Còn tỷ lệ thương tích 1% đối với “vết xây xát ở đốt 1 ngón cái tay phải” mà Viện Pháp y Quốc gia nêu ra dựa vào căn cứ nào?

Trong suốt quá trình diễn ra sự việc, ông Đượi luôn cầm hung khí (dao) và luôn nắm phần chuôi dao, vậy thì căn cứ nào để Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương cáo buộc cho anh Sơn là người gây ra vết thương này?

Bởi, trong cáo trạng có nêu, kết luận giám định thương tật có 2 vết thương. Vết thương ở đầu là 10% do quá trình giằng co nhau, anh Sơn buông ra làm ông Đượi thụt lùi rồi bị ngã. Đối với vết thương ở mu bàn tay, cáo trạng ghi rõ, trong quá trình giằng co, ông Đượi bị dao cứa vào tay với thương tật 1%.

Như vậy, vết thương 2 không phải do anh Sơn gây ra. Do đó, không thể cáo buộc anh Sơn chịu trách nhiệm với 1% này.

Cũng theo luật sư Trí, trong vụ việc này anh Sơn là người có công lớn trong việc ngăn chặn vụ ẩu đả nhưng lại bị khởi tố vì những lý do chưa thuyết phục đã nói ở trên.

Bị can là người thế nào?

Sự việc xảy ra đến nay đã hơn 8 tháng, dù họ hàng nội ngoại đã nhiều lần đứng ra hòa giải nhưng gia đình ông Đượi vẫn không đồng ý. Quá trình tìm hiểu, được biết anh Sơn là con rể của gia đình ông Mười và gọi ông Đượi bằng chú bên vợ.

Dù là rể, lại là người xóm dưới nhưng anh Sơn được anh em bên vợ quý mến, láng giềng đánh giá hiền lành, luôn tham gia vào các hoạt động của làng xóm.

Qua trao đổi với một số người trú tại xóm 4, xã Bắc Sơn, hầu hết họ đều cho rằng, cơ quan chức năng cần có cái nhìn toàn diện, đúng hoàn cảnh, hậu quả... để soi xét đúng bản chất vụ việc, tránh hàm oan không đáng có.

Mắt phải của anh Sơn bị ông Đượi đấm sưng tấy.

Trao đổi với ông Trần Đăng Tịnh, xóm trưởng xóm 4, xã Bắc Sơn, ông Tịnh cho biết, vụ ẩu đả tôi không chứng kiến. Tuy nhiên, hai gia đình ông Mười và ông Đượi đã mâu thuẫn từ lâu, xuất phát từ mấy năm trước. Do đó, 2 gia đình dù là anh em ruột, nhà sát nhau, nhưng mâu thuẫn không thể hàn gắn. Riêng trường hợp của Sơn, mong cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, đúng hoàn cảnh, cũng như hậu quả gây ra có đáng phải đưa một người như anh Sơn vào vòng lao lý?.

Trong khi đó, ông Lê Viết Ba, hàng xóm cho biết, sự việc không đến nỗi phải bắt ép người cháu đến tù tội. Hôm đó, người gây sự chính là ông Đượi. Riêng các hung khí đều do ông Đượi mang ra.

Trong vụ này, Sơn có thể đã đấm ông Đượi trong lúc bức xúc, nhưng không đến nỗi phải truy tố, bởi dù làm rể hơn 12 năm nay, nhưng Sơn là người hiền lành, được người dân, láng giềng quý mến, tham gia mọi đóng góp của làng, xã.

Đó cũng là nhận định của anh Lê Đức Hiếu trú tại xóm 4, anh Hiếu vừa là cháu họ, vừa là láng giềng của ông Đượi, nhưng cảm thấy không đồng tình với cách làm của ông Đượi. Dù cả họ tộc, bác trưởng tộc đã nhiều lần hòa giải nhưng gia đình ông Đượi không đồng ý.

Hy vọng trong phiên tòa tới đây, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương sẽ xem xét, đánh giá một cách khách quan toàn diện các vấn đề của vụ án để có một phán quyết chính xác, tránh làm oan người vô tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đô Lương, Nghệ An: Bị truy tố vì can ngăn ẩu đả?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO