Do nhu cầu thị trường?

Việt Quỳnh 07/08/2016 17:05

Trong Thông cáo báo chí gửi trực tiếp tới các nhà báo chiều tối ngày 19-7, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM có tuyên bố về việc giữ lại 17 bức tranh trong triển lãm tai tiếng “Những bức tranh trở về từ châu Âu” để “phục vụ công tác điều tra”. Tuy nhiên, sáng ngày 22/7, ông Vũ Xuân Chung, chủ bộ sưu tập 15 bức tranh giả, 2 bức tranh mạo danh đã đến bảo tàng lấy tranh mang về mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào.

Do nhu cầu thị trường?

Họa sĩ Trịnh Cung.

Vậy số phận 17 bức tranh này, sẽ được ông Vũ Xuân Chung xử lý ra sao? Cất riêng làm “ký ức buồn” cho việc thiếu hiểu biết khi sưu tập tranh, hay tiếp tục để lưu thông trong thị trường tranh giả?

Thị trường tranh Việt Nam bắt đầu khi các nhà sưu tập quan tâm và mua nhiều tranh của các hoạ sĩ thời Đổi mới. Những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam xuất hiện hàng trăm các gallery tập trung vào bán tranh của các hoạ sĩ thời kỳ Đổi mới. Khi nhu cầu thị trường đẩy mạnh, tranh của các họa sĩ Đổi mới bị sao chép nhiều, làm các nhà sưu tập chán. Thị trường tranh của các hoạ sĩ Đổi mới mất khách. Các nhà sưu tập chuyển sang quan tâm đến tranh của các hoạ sĩ thuộc thế hệ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… Vì tranh quý hiếm, các danh hoạ lại là bậc thầy, nên giá tranh lên cao. Tuy nhiên, ngay khi giá tranh vừa tăng, lại xuất hiện một loạt tranh giả tác phẩm của các danh hoạ. Hiện nay, những nhà sưu tầm lại chuyển sang tìm kiếm tranh các hoạ sĩ kháng chiến. Tất cả đều biến đổi liên tục theo nhu cầu thị trường.

Ngày nay, tranh của các hoạ sĩ thế hệ sau như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong bị làm giả, làm nhái, sao chép ngày càng nhiều, thậm chí, được bày bán thoải mái ở các cửa hàng tranh, các gallery với giá đồ “lưu niệm” vài trăm ngàn một bức.

Tuy nhiên, dù bị khởi kiện như trường hợp hoạ sĩ Bùi Thanh Phương kiên quyết “vạch mặt” kẻ đang buôn tranh giả của bố ông - danh hoạ Bùi Xuân Phái, nhưng phải ngừng lại giữa chừng vì vụ kiện quá tốn kém, thì những người làm tranh giả vẫn ở trong sự an toàn. Hoạ sĩ ngại động chạm vào những người buôn bán tranh giả, nếu biết tranh bị làm giả, thì cũng cố cười xoà, tự an ủi vì hoá ra tranh của mình cũng được “công chúng yêu thích”. Nhiều lúc, bản sao thì bán chạy nhưng bản gốc vẫn còn treo trong xưởng. Không ai nghĩ tới chuyện kiện cáo, không ai dám chỉ đích danh, vì những người buôn tranh giả rất hung hăng. Nếu chẳng may nói ở ngoài cửa tiệm, chỉ ra đây là tranh giả, do chính mình vẽ, không khéo lại bị “no đòn”. Việc này, ngay trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã chứng thực lời kể ấy, khi hoạ sĩ Thành Chương nhận bức tranh có tên “Trừu tượng”, tác giả Tạ Tỵ đang được treo trên tường, trong khu vực triển lãm, dù mang theo chứng cứ đầy đủ, trước mặt báo giới, các nhà chuyên môn, công chúng trong và ngoài nước, cũng bị ông Vũ Xuân Chung to giọng chửi bới, doạ nạt, gọi “mày”, xưng “tao” và suýt bị ăn đấm nếu người nhà ông Chung không can ngăn.

“Tranh giả nhiều, làm dễ. Đến nay, nhiều người làm tranh giả cũng ít đi, ví dụ như đối với tranh giả của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, vì tranh của ông Phái không còn bán được nữa, vì tranh giả quá nhiều. Sau đó lại đến cụ Lê Phổ”. Nhà nghiên cứu Mỹ thuật, Hoạ sĩ Nguyễn Quân chia sẻ, “chính tranh của tôi, cũng bị làm giả. Trước đây, bọn tôi bán hay tặng tranh thì không cần có chữ ký xác thực của tác giả, nhiều người sau khi đã mua, mới quay lại xin chữ ký xác nhận. Thường khi có kiện cáo xảy ra thì người ta mới cần bằng chứng. Còn đa phần, việc mua bán tranh dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”.

Cũng theo ông Nguyễn Quân, tác quyền của mỹ thuật có sự riêng biệt. Trước đây không hoạ sĩ nào muốn bỏ công ra sau khi vẽ được một bức tranh đi đăng ký tác quyền.

Ngày nay, nhiều hoạ sĩ trẻ đã có ý thức về tác quyền bằng cách, khi bán mỗi bức tranh, họ chụp lại bức tranh đó, dán lên một tờ giấy, phía dưới chứng nhận đó là bức tranh chân bản, độc bản và kèm theo chữ ký.

Trước đây, các hoạ sĩ rất hồn nhiên, vẽ xong tranh thấy thích là tặng, mà vẽ nhiều đến mức không nhớ hết tác phẩm của mình. Tuy nhiên đưa tranh tới là biết. Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Quân kể lại, có lần ông đưa một tập tranh theo lời nhờ của một người bạn đến hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhờ xác nhận hộ xem tập tranh này có phải của cụ không. Ông Nghiêm xem xong nói, đều là tranh giả hết, có một cái chép tốt hơn cái khác.

“Lời xác nhận của chính tác giả là quan trọng, cũng như lời khẳng định của một nhà nghiên cứu mỹ thuật uy tín là quan trọng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân nói.

Theo chỉ dẫn của hoạ sĩ Trịnh Cung, để phân biệt tranh thật tranh giả ở mức độ cao cấp tinh vi, trước hết bằng mắt thường, sẽ thấy: “Nếu là tranh thật, thì nét vẽ của hoạ sĩ phóng khoáng, có hồn, thoải mái còn khi chép tranh, sẽ có sự gò, nét không đi liền mà phải nhấn dần dần vì sợ sai. Thứ hai là chú ý là chất sơn - ma-che. Ma-che là đòi hỏi kỹ thuật của người nghệ sĩ hiện đại. Ma-che là cái đẹp đặc biệt của tranh sơn dầu thời hiện đại.

Người ta không còn quan tâm đến nội dung nữa mà là chất sơn, coi cái mặt sơn là biết tác giả là bậc thầy cao tay hay non tay. Hội hoạ hiện đại cần cái đẹp về chất liệu, đó là ngôn ngữ của nghệ thuật hiện đại. Trong nghề, hoạ sĩ bọn tôi đi tìm nhau qua sự điêu luyện, chiêu của việc tạo ra ma-che. Tức sơn dầu phải tạo ra chất liệu sơn dầu để phân biệt với bột màu hay gì đó khác.

Các kỹ năng tạo ra ma-che, tạo ra chất sơn bao gồm sơn, bố vẽ, cách vẽ. Như Van Gogh, bệt bệt những đường cọ, và sau những đường hằn của sơn nổi lên. Sơn dầu có đặc tính khi khô, nó rắn như đá, đẹp như cẩm thạch. Bố vẽ thuộc loại bố gì, muốn biết phải lật lưng bức tranh ra xem đó là cotton hay gai, đay… ở đâu hay dùng. Như ở Việt Nam thường dùng bố rẻ tiền.

Coi lưng bức tranh có sự thấm dầu hay loang dầu không. Chỉ có hoạ sĩ bậc thầy mới không bị thấm dầu, loang dầu ra phía sau của bố. Dầu có tính cách khi gặp bố sẽ thấm hút, thời gian lâu sau sẽ làm bố bị nứt, gọi là cháy bố. Những người tay mơ không học sẽ bị cái này. Vì vậy trước khi vẽ sơn dầu phải có một lớp cách giữa bố và lớp sơn dầu.

Tiếp theo là cảm nhận cách vẽ. Người chuyên nghiệp như ông Bùi Xuân Phái, Nguyễn Chánh, nếu họ giỏi sẽ không bị những nét thừa thãi.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Do nhu cầu thị trường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO