Độ nóng Covid-19 và giải pháp ‘chia phần’

Thế Tuấn 01/03/2021 08:56

Trong cuộc chạy đua gấp rút tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thì lại xuất hiện động thái mới: một số quốc gia dự tính hoãn tiêm mũi thứ hai.

Kiểm tra thân nhiệt tại Manila (Philippines).

Tính đến ngày 28/2, các nước ASEAN đã ghi nhận gần 53.000 ca tử vong và trên 2,45 triệu người bệnh. Tuy nhiên, diễn biến tình hình kể từ tuần thứ 2 của tháng 2 tới nay cho thấy, tình hình dịch Covid-19 ở khu vực này có phần dịu xuống. Dẫu có xuất hiện một vài khu vực có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng thì cùng không bùng phát mạnh như thời điểm trước.

Kéo dài 1 tháng các biện pháp hạn chế ở thủ đô Manila (Philippines)

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng ngày 28/2, trong vòng 24 giờ, các nước ASEAN ghi nhận thêm 11.610 ca mắc Covid-19 và 247 ca tử vong. Như vậy cả số mắc mới và số người bị tử vong cũng đã giảm.

Đáng chú ý, Indonesia vốn là “tâm dịch” trong khối ASEN thì tình hình cũng đã dịu bớt. Nếu như tuần trước, mỗi ngày có chừng 10.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 thì trong tuần qua (từ ngày 21 đến ngày 28/2), con số đó trung bình mỗi ngày là hơn 6.000 ca. Dẫu rằng tới thời điểm này Indonesia vẫn là khu vực dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca tử vong đã lên tới 36.000 người, trong tổng số gần 2,4 triệu ca bệnh.

Đối với các nước trong khối, hiện tại thì Campuchia và Philippines tình hình có phức tạp hơn. Bộ Y tế Campuchia đã thông báo thành lập Tiểu ban an ninh và quản lý trật tự để giám sát tất cả các trung tâm cách ly Covid-19 trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết Tiểu ban này (trực thuộc ủy ban liên bộ phòng chống dịch Covid-19), có trách nhiệm giám sát, đánh giá và tham vấn về mọi vấn đề liên quan đến an ninh và sự ổn định tại các trung tâm cách ly Covid-19 tại Campuchia.

Tiểu ban do Tướng Hun Manet - Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia đứng đầu, với 5 phó chủ tịch và 8 thành viên. Tiểu ban có trách nhiệm đảm bảo rằng những tiêu chuẩn và quy định của Bộ Y tế Campuchia về phòng chống dịch Covid-19 được tất cả mọi người tuân thủ. Trong trường hợp cần thiết, Tiểu ban này có thể sử dụng lực lượng can thiệp tại những khu vực cách ly, hoặc cần phong tỏa để phòng chống dịch.

Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế một phần tại thủ đô Manila tới cuối tháng 3 trong khi quốc gia này chờ được bàn giao vaccine phòng Covid-19.

Ông Harry Roque - Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, cho biết các biện pháp hạn chế tại Thủ đô Manila sẽ kéo dài thêm 1 tháng, nhằm hạn chế các hoạt động kinh doanh và giao thông công cộng. Quyết định được đưa ra sau khi Philippines ghi nhận thêm 2.651 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất được ghi nhận trong hơn 4 tháng qua tại quốc gia này. Ngoài Manila, các thành phố gồm Davao ở miền Nam và Baguio ở miền Bắc Philippines cũng đang áp dụng các biện pháp tương tự.

Hiện Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. Philippines cũng là quốc gia cuối cùng trong khu vực tiếp nhận lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, gồm 600.000 liều vaccine của Hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), bàn giao trong ngày 28/2.

“Giải pháp chia phần”

Trong khi cuộc chạy đua gấp rút tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra, thì lại xuất hiện động thái mới: một số quốc gia dự tính hoãn tiêm mũi thứ hai. Vì sao vậy?

Trang mạng Global News gọi đây là “giải pháp chia phần”. Có nghĩa là hoãn tiêm liều hai vaccine ngừa Covid-19 cho những người đã tiêm liều đầu tiên nhằm để dành vaccine cho những người chưa có bất kỳ mũi tiêm nào.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Canada.

Đi đầu trong “giải pháp chia phần” là Canada. Trước tiên là tỉnh New Brunswick thông báo những người có nguy cơ thấp sẽ tiêm liều 2 vaccine Covid-19 sau liều 1 trễ hơn khoảng thời gian được khuyến nghị của hai nhà sản xuất Pfizer-BioNTech và Moderna. Tiếp đó, tỉnh Quebec cũng kéo dài thời gian nghỉ giữa hai liều vaccine lên tối đa 90 ngày, nhằm dành ra số vaccine tiêm cho nhiều người hơn. Theo khuyến cáo được đưa ra, các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna đề xuất khoảng thời gian tiêm cách hai liều vaccine lần lượt là 21 và 28 ngày.

Theo Viện Y tế công cộng Quốc gia của Quebec (INSPQ), cả hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đạt hiệu quả gần 80% trong việc ngăn ngừa Covid-19 từ 14 đến 28 ngày chỉ sau mũi tiêm đầu tiên.

Cũng như Canada, Columbia cũng đưa ra quyết định kéo dài thời gian nghỉ giữa hai liều tiêm lên tới 42 ngày.

Ashleigh Tuite - một chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, cho biết về ngắn hạn, cùng với số vaccine nhất định, ta có thể tiêm phòng cho số lượng người gấp đôi. Điều này kéo theo khả năng cứu được nhiều người hơn và ngăn ngừa nhiều trường hợp biến chứng nặng phải nhập viện.

Tương tự, giáo sư Andrew Coombs (Đại học British Columbia) cho rằng việc giảm ngay tỷ lệ ca mắc mới, ca bệnh phải nằm viện và trường hợp tử vong với một liều tiêm duy nhất là rất tuyệt vời. Vị chuyên gia nói thêm, liều vaccine thứ hai (mũi nhắc lại) là rất có ích với những người “không nghĩ rằng đến lượt được tiêm”.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo nguy cơ khi kéo dài thời gian tiêm cách hai liều vaccine so với thời gian khuyến nghị trong thử nghiệm lâm sàng. “Khoảng thời gian càng lâu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao do người dân không nhận được phản ứng miễn dịch đầy đủ nhất có thể” - Tiến sĩ Zain Chagla - bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế St. Joseph ở Hamilton nói trên Global News.

Còn trong một thư điện tử gửi tới Global News, Christina Antoniou - Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Pfizer Canada, nhận định: “Điều quan trọng là các cơ quan y tế phải tiến hành giám sát lịch tiêm xoay vòng để đảm bảo vaccine mang lại sự bảo vệ tối đa có thể cho người dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độ nóng Covid-19 và giải pháp ‘chia phần’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO