Độ nóng của chất vấn

Hoàng Mai 18/06/2019 08:30

Tuần vừa qua, Quốc hội bước vào 2,5 ngày chất vấn - hoạt động quan trọng, sôi động nhất của mỗi kỳ họp Quốc hội. Qua những ngày chất vấn có thể thấy nhiều nhận xét thật sự rất chính xác.

Độ nóng của chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp.

1. Ngay trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong phiên họp thứ 7, Quốc hội tiếp tục áp dụng những cải tiến đã được áp dụng tại các kỳ họp trước. Các bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các Đại biểu Quốc hội chất vấn. Mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời mỗi chất vấn. “Do vậy, Đại biểu Quốc hội cần chất vấn ngắn gọn, rõ ý, tập trung phân tích đánh giá chính sách, trách nhiệm, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Các đại biểu có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút. Tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tác động đến công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tích cực trong hoạt động điều hành và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Với sự chủ động, tích cực của các ĐBQH cũng như của các bộ trưởng và sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này sẽ đạt được kết quả như cử tri mong đợi. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết làm cơ sở để các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiếp tục giám sát việc thực hiện.

Nói về mong ước cải tiến hoạt động chất vấn, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Nếu Đại biểu Quốc hội bám sát tâm tư, nguyện vọng cử tri và hiện tình đất nước thì sẽ thấy có quá nhiều điều trên nhiều lĩnh vực mà người dân, xã hội đang bức xúc, muốn đại biểu chất vấn để Chính phủ và các bộ trưởng có câu trả lời ngay. Con số 4 bộ trưởng trên 4 lĩnh vực trong 2 ngày rưỡi rõ ràng là không đủ. Tuy các đại biểu cũng có thể chất vấn bằng văn bản và sẽ được trả lời bằng văn bản sau đó, nhưng thông thường sẽ chậm, có khi đến 1 hay 2 tháng sau. Do đó sẽ không kịp báo cáo cho cử tri ngay sau kỳ họp. Chưa kể, Bộ trưởng nào nằm trong danh sách chất vấn là do các đại biểu chọn lựa bằng phiếu, theo đa số, do đó chính các đại biểu Quốc hội cũng không hài lòng khi bộ trưởng mà mình muốn chất vấn lại nhận được ít phiếu chọn lựa.

2. Ngay tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng đã được mang ra mổ xẻ, như các vụ án ma túy, giết người, tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia tăng lên rất nhiều. Nhiều người sáng ra đi làm không dám chắc chiều có thể về nhà an toàn hay không?

Riêng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Chủ tịch Quốc hội nói rõ: Hôm 3/6, Quốc hội xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội về chế tài xử phạt đối với người lái xe sử dụng rượu bia. Không phải là Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông mà là Luật hiện hành đã có quy định. Tuy nhiên, quá bức xúc trước tình trạng sử dụng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn, cơ quan soạn thảo và UBTV Quốc hội cũng như trong thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn, cứ uống rượu bia là không được lái xe, và lái xe là vi phạm. Còn phương án thứ 2 là giữ nguyên như hiện nay: Phải đo nồng độ cồn vượt quá ngưỡng an toàn có thể gây mất an toàn giao thông. Đại biểu Quốc hội cho ý kiến ngang ngửa chưa có cái nào đạt trên 50%. “Như vậy để không hiểu lầm rằng Quốc hội không có quy định nào, pháp luật không có quy định nào để xử lý vấn đề này, tăng thêm hay giữ nguyên thì Đại biểu Quốc hội cũng không biểu quyết. Do vậy sẽ thực hiện như pháp luật hiện hành” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Hay như chuyện gian lận thi cử năm 2018 và trách nhiệm của cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và công an các tỉnh Sơn La và Hà Giang cũng là vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hiện đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua. Kết quả điều tra 3 vụ án đến nay đã đủ căn cứ kết luận về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, thực hiện can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh theo tội danh đã được khởi tố. Đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi. Cụ thể, ở Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107, Sơn La 44 thí sinh. Vấn đề làm rõ vi phạm của các phụ huynh đưa tiền cho bị can để nhờ nâng điểm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: trước mắt để đảm bảo đúng thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra kết luận điều tra để truy tố các bị can, xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để thực hiện việc can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh, còn việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật và sẽ công bố sau khi có kết luận về công tác điều tra.

Hoặc như với vụ việc sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và HH Linh Đàm, Đại biểu Quốc hội cho rằng 2 vụ việc này nổi cộm mà chậm được giải quyết. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đây là hai vụ việc thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội. Trong sai phạm 8B Lê Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thông tin: Hà Nội đang cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm theo giấy phép. “Phá dỡ theo chiều ngang thì Hà Nội làm rồi, còn theo chiều dọc thì liên quan đến kết cấu, tính chịu lực. Bộ sẵn sàng giúp Hà Nội nếu Hà Nội muốn tham vấn về phương án xử lý phá dỡ tốt hơn. Với nhà HH, trách nhiệm xử lý là của Hà Nội”.

Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thì được “quay” nhiều về vấn đề BOT, việc đội vốn và chậm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thì nhận được những câu hỏi liên quan đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội; sự nở rộ của các hình thức mê tín dị đoan mà vụ việc chùa Ba Vàng là ví dụ.

3. Nhiều, rất nhiều những vấn đề bức xúc như thế đã được Đại biểu Quốc hội hỏi thẳng các Bộ trưởng, trưởng ngành; thậm chí đặt thẳng câu hỏi với các Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực. Theo thống kê, mỗi một Bộ trưởng, trưởng ngành trong mỗi phần chất vấn nhận được trên dưới 50 câu hỏi; tức là rất nhiều những câu hỏi được đưa ra, đó là chưa kể những phần tranh luận. Nhìn chung, 2,5 ngày chất vấn đã qua rất sôi động. Nó cho thấy, tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân của cả Bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng như của Đại biểu Quốc hội.

Tuy thế, kết thúc phiên chất vấn, vẫn còn có cảm giác tiếc nuối nơi đại biểu. Nói như Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong tình hình xã hội đang phát triển nhanh như hiện nay, độ nóng của các bức xúc tăng lên, nên theo tôi, cần tăng thời gian chất vấn và tăng số Bộ trưởng được chất vấn thì hoạt động chất vấn sẽ có hiệu quả cao hơn và người dân sẽ hài lòng hơn. Một ý kiến cũng đáng để suy ngẫm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độ nóng của chất vấn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO