Đô thị thông minh- một lựa chọn tất yếu

Dạ Yến - Vũ Mạnh - Nguyễn Phượng Ảhh: Hoàng Long 29/08/2015 05:35

“Vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh điều đó tại Hội thảo “Đô

Đô thị thông minh- một lựa chọn tất yếu

Đây là lần đầu tiên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chủ trì một hội thảo mà ở đó quy tụ được rất nhiều diễn giả công nghệ thông tin hàng đầu đến từ 4 nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Singapore; các đại biểu thuộc đại diện “Nhóm Sáng kiến Việt Nam”; Đại diện Đại sứ quán các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tại Việt Nam, Trưởng Ban kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, một số huyện, tỉnh, thành phố…

Hội thảo là cơ hội để cho tất cả các bên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra triển vọng của Việt Nam trong việc xây dựng một đô thị thông minh.

Những kinh nghiệm của thế giới

Hiện nay, chưa có một định nghĩa hay khái niệm cụ thể nào cho “đô thị thông minh” nhưng việc xây dựng một “thành phố thông minh” hay đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị.

Nói một cách dễ hiểu, “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng. Con người thực sự được “giải phóng”, được hỗ trợ không gián đoạn bởi công nghệ.

Cho đến nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đi được một chặng đường dài trong việc xây dựng các đô thị thông minh. Từ cuối năm 2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tuyên bố Singapore bắt đầu chiến dịch xây dựng một quốc gia thông minh- đầu tiên trên thế giới.

Người Singapore tự tin với chiến dịch của mình vì hiện có rất nhiều công nghệ đã được ra đời. Singapore có các thiết bị thông minh trong nhà, từ điều hòa không khí hoặc hệ thống ánh sáng, đều có sẵn. Singapore cũng đã có dữ liệu và ứng dụng giúp định hướng tuyến đường xe buýt và xe lửa.

Chia sẻ từ những kinh nghiệm của Singapore, ông Kevin Chong, Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, một trong những điển hình của một thành phố thông minh không chỉ là tiếp cận công nghệ mà còn bảo tồn văn hoá và mỗi thành phố thông minh cần có một bản sắc của riêng mình.

Là một trong những đất nước có sự tiếp cận với việc xây dựng thành phố thông minh từ rất sớm, khái niệm thành phố thông minh ở Hàn Quốc có từ năm 2007 và đang hoàn thiện khái niệm mới. Hiện Hàn Quốc đang hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, thay đổi khái niệm thành phố thông minh, phát triển lên một bước mới chứ không chỉ dừng ở khía cạnh công nghệ và dịch vụ mà chú trọng vào chính sách.

Tiến sĩ Jae Yong Lee, Thư ký Ủy ban hỗ trợ phát triển U-City Hàn Quốc cho rằng muốn xây dựng một thành phố thông minh, trước tiên, cần xây dựng hạ tầng thông minh. Ví dụ khi đường bị tắc thì lái xe có thể được cung cấp thông tin để họ có thể chuyển sang đường khác. Để làm được điều đó thì phải có những trung tâm điều khiển. Đây là đầu mối để quản lý giao thông, phòng tránh thiên tai... và rất nhiều nội dung khác. Hàn Quốc đã ban hành Luật Thành phố thông minh từ năm 2008 với 3 nội dung chính: cơ sở hạ tầng; dịch vụ, chính sách.

Cũng như vậy, đa số các dự án phát triển đô thị quy mô lớn ở Nhật Bản là phát triển theo định hướng giao thông công cộng rất thông minh, tiết kiệm được chi phí về môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhật Bản đã xây dựng thêm những tuyến đường sắt, xây dựng thêm hệ thống tàu điện ngầm với chiều dài gấp 1,5 lần, vận chuyển hành khách gấp 60 lần.... Ông Hiroyuki Yoshimura – Giám đốc các dự án quy hoạch và phát triển đô thị Nhật Bản cho rằng, đây chính là những giải pháp toàn diện nhằm phát triển thành phố thông minh.

Theo ông Hiroyuki Yoshimura, việc phát triển các đô thị thông minh cần dựa vào sự phát triển bền vững hướng tới việc giảm thiểu CO2.

“Một thành phố thông minh thực sự sẽ tăng cường các hoạt động kinh tế lành mạnh và duy trì tăng trưởng kết hợp với hạn chế các ảnh hưởng môi trường và từ đó tăng cường chất lượng cuộc sống”- ông Hiroyuki Yoshimura chia sẻ.

Đô thị thông minh- một lựa chọn tất yếu - 1

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam:

Cần sự quyết tâm của mỗi người

Cuộc thảo luận lần này đã làm rõ đô thị thông minh là sự tương tác giữa ba chủ thể: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Để có thể tận dụng cơ hội phát triển do các đô thị thông minh đem lại, mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân cần đương đầu với những thách thức và rủi ro cao nhất mà các đô thị đem lại. Bởi vậy, Nhà nước phải quản lý đô thị theo hình thức thông minh, chính quyền phải hoạch định đô thị thông minh, doanh nghiệp phải kinh doanh thông minh, mỗi người dân phải sống và làm việc một cách thông minh.

Yếu tố quan trọng của đô thị thông minh là con người quyết định tất cả. Chính phủ thông minh là Chính phủ có trách nhiệm, doanh nghiệp thông minh là doanh nghiệp có trách nhiệm, người dân thông minh hơn là người dân có trách nhiệm. Vì vậy thông minh ở đây được hiểu là có trách nhiệm. Nhiều người nghĩ rằng, cần phải có rất nhiều tiền mới làm được những việc này. Vấn đề không phải là tiền mà vẫn là nguồn tiền đó nhưng sử dụng như thế nào có hiệu quả hơn.

Việt Nam có nhiều tiền đề để thực hiện đô thị thông minh. Đó là có hạ tầng về công nghệ thông tin, viễn thông, cùng với đó tại nhiều bộ ngành địa phương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó các đô thị lớn đang đứng trước áp lực về quản lý đô thị hiệu quả theo hướng đô thị thông minh. Cùng với đó các đô thị nhỏ có nhiều chuyển biến tốt sẽ thực hiện tốt việc thực hiện đô thị thông minh.

Một đô thị thông minh phải có 6 sản phẩm để các chủ thể hướng tới đó là môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, khuyến khích đầu tư hiệu quả, từ đó làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế. Sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Chính phủ. Sự hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của Chính phủ. Người dân phải là người dân hạnh phúc trong điều kiện sống của mình. Đặc biệt môi trường cần được gìn giữ. Và cuối cùng, người dân phải là người tham gia quản lý chính quyền, hình thành chính sách, đánh giá hoạt động của chính quyền.

6 sản phẩm nhưng chọn sản phẩm nào, ứng dụng CNTT thì ứng dụng vào khâu nào sẽ là tùy thuộc vào mỗi địa phương. Chúng ta phải thông minh hóa quá trình này. Mục đích của ứng dụng CNTT là để chính quyền phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và làm sao để người dân hài lòng về chính quyền.

Chúng ta có thể thiết kế phần mềm để người dân có thể đánh giá sự phục vụ của chính quyền với nhân dân, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền trên điện thoại thông minh thay bằng những phiếu đánh giá chỉ số hài lòng của người dân đang được tiến hành một năm một lần như hiện nay.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần phải có sự quyết tâm của Chính phủ, quyết tâm của người trong cuộc và quyết tâm của chính các địa phương. Đặc biệt 3 doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin, viễn thông là VNPT, Viettel, FPT cần nhận rõ tiềm năng và sẵn sàng để tham gia phát triển đô thị thông minh.

Giải quyết những phát sinh

Có thể nói, phát triển thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết và thích hợp với xu hướng chung của thế giới. Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đã đến lúc không thể đứng ngoài cuộc. Đó cũng là ý kiến của những người có trách nhiệm thuộc các bộ, ban, ngành, địa phương tại hội thảo này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này, nếu Việt Nam muốn xây dựng được thành phố thông minh, trước tiên cần phải nhận diện những cơ hội cũng như thách thức.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Dư, đại diện cho Nhóm nghiên cứu thuộc Sáng kiến Việt Nam của đội ngũ trí thức kiều bào, việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam sẽ gặp phải ít nhất 6 thách thức như hạn chế về ngân sách, thiết hụt về kỹ năng công nghệ thông tin, các dịch vụ không tích hợp.

Trong đó, thường phải đối mặt với các vấn đề “lẻ tẻ” không có trong quy hoạch. Các thành phố thường xuyên phải giải quyết vấn đề phát sinh, vì khả năng tài chính hạn chế hoặc các cơ quan chức năng và địa phương không có sự trao đổi liên lạc thường xuyên làm cho các dự án chỉ giải quyết một số vấn đề, không đồng bộ và thực tế làm tốn kém nhiều chi phí cũng như thời gian thực hiện.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Dư đưa ra ví dụ, giao thông làm đường xong, sau đó một bộ phận nước đào đường, rồi điện, cáp quang. “Xây dựng thành phố thông minh yêu cầu một cái nhìn hệ thống tổng quan và giải pháp tích cực”, ông Dư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó sự quan tâm và nhận thức của người dân đối với thành phố thông minh còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, như thói quen sinh hoạt đã được định hình, không hiểu rõ được những lợi ích hoặc cảnh giác với các yếu tố mới lạ. Trong khi đó, chính quyền thành phố thiếu tầm nhìn về thành phố thông minh.

Trên thực tế, khái niệm thành phố thông minh mới được giới thiệu ở Việt Nam vài năm gần đây. Một số nơi đã có những bước triển khai. Từ tháng 5/2012, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam và là một trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM hỗ trợ phát triển dự án ‘‘Thành phố thông minh hơn’’.

Hiện tại, một số thành phố khác như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh của thành phố thông minh, như: thử nghiệm thẻ thay vì bán vé xe buýt theo kiểu truyền thống. Việc triển khai wifi ở một số nơi, những đề xuất của việc sử dụng điện thoại di động để truyền tải tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hóa những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày… là rất đáng chú ý.

Tuy nhiên dường như những yếu tố của thành phố thông minh ở Việt Nam hiện nay chưa được nhắc đến nhiều. Những nhân tố hay công nghệ mới được đưa vào cả hai kênh là Nhà nước và thị trường trên thực tế chỉ được công chúng đón nhận ở mức độ chừng mực nào đó.

Đô thị thông minh- một lựa chọn tất yếu - 2

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nâng cao nhận thức về đô thị thông minh

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó đô thị có quy mô lớn là 2 đô thị đặc biệt: Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (quy mô trung bình 7-8 triệu người); khoảng gần 30 đô thị tương đối lớn bao gồm: các đô thị loại I và loại II có quy mô từ 25 vạn đến 1,5 triệu người.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, sự phát triển của đô thị đặt ra 4 vấn đề lớn hiện nay cần phải giải quyết đó là đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) – Vấn đề của đô thị tăng (môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, an toàn, nhà ở…); hạ tầng lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (giáo dục, y tế, chính quyền).

Trước những thách thức như vậy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, qua thảo luận tại hội thảo, trên cơ sở thực tiễn người thật, việc thật từ các nước trên thế giới, các bộ ngành, địa phương của Việt Nam, trước tiên vấn đề nhận thức về một đô thị thông minh đã được nâng cao hơn từ đó góp phần suy nghĩ về việc Việt Nam có nên thực hiện không và nếu thực hiện thì sẽ phải làm như thế nào.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, sau Hội thảo, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Ông Kevin Chong, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Singapore): Thành phố thông minh phải gắn với bảo vệ môi trường

Việt Nam nên phân tích, tầm nhìn hóa và có lộ trình để phát triển thành phố thông minh. Giai đoạn đầu tiên phải phân tích được tình hình môi trường, hạ tầng, sau đó phải có tầm nhìn và chính sách của Chính phủ. Chính phủ phải đặt ra yêu cầu muốn có cái gì, trung tâm vận chuyển hay trung tâm kinh tế chẳng hạn… Từ đó có chiến lược, xây dựng kế hoạch tổng thể và có bước đi cụ thể để triển khai từng lộ trình. Trong đó yếu tố môi trường phải được chú trọng. Yếu tố thành phố thông minh phải gắn với yếu tố bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Jae Yong Lee, Thư ký Uỷ ban Hỗ trợ phát triển U- City,
Hàn Quốc:
Cần xây dựng cơ sở pháp lý

Muốn làm đô thị thông minh, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý, tiếp đến là vấn đề quy hoạch. Hiện nay, Hàn Quốc đã xây dựng được 50 đô thị thông minh từ tận dụng lợi nhuận phát triển đô thị. Khi công ty xây dựng thành phố mới, họ được nhận lợi nhuận, một phần lợi nhuận đó của các công ty phải tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho các đô thị. 3 cấu phần của đô thị thông minh là mạng lưới, cơ sở hạ tầng, trung tâm điều khiển.. thì đều do doanh nghiệp đầu tư, vì vậy ngân sách của địa phương và Trung ương không phải bỏ ra. Chi phí xây dựng 1 đô thị thông minh khoảng 10 triệu dân là khoảng 30 triệu USD. Việt Nam đang xây dựng đô thị mới, chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh.

PGS. TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô
thị, Bộ Xây dựng:
Bắt đầu từ khâu lập quy hoạch đô thị

Việc phát triển một thành phố thông minh cần có sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần, như Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Ngân sách Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một số hạng mục hoặc một số công việc cụ thể, sự tham gia đầu tư của xã hội là vô cùng quan trọng, do đó cần có cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, để phát triển một thành phố thông minh cần bắt đầu từ khâu lập quy hoạch đô thị.

Ông Hoàng Thế Hưng, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viễn thông Quân đội- Viettel: Đưa công nghệ tới mọi ngõ ngách của đời sống

Để phục vụ phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, chiến lược của Viettel là đưa công nghệ thông tin tích hợp viễn thông tới mọi ngõ ngách của đời sống. Cách làm của Viettel là triển khai hạ tầng kết nối rộng khắp là yếu tố cốt lõi để tiến tới thành phố thông minh. Viettel tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kết nối trên diện rộng thông qua các định hướng mục tiêu: GPON, 4G, WIFI. Cùng với đó là tập trung xây dựng các hệ thống nền tảng như Chính phủ điện tử, Y tế, Giao thông, Năng lượng. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi ngõ ngách của đời sống làm thông minh hóa tới từng cá thể như nhà thông minh, văn phòng thông minh, thiết bị thông minh…

Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang: Nhiều lợi thế để xây dựng đô thị thông minh

Huyện đảo Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất của cả nước với tổng diện tích hơn 600 km2, với thảm xanh diện tích rừng, có sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế, và đang xây dựng cảng biển, bệnh viện quốc tế, trường nghề quốc tế. Với những đầu tư nguồn lực từ nhà nước và những lợi thế tiềm năng sẵn có Phú Quốc có đủ điều kiện để đăng ký xem xét và hướng dẫn để phát triển thành một đô thị thông minh, đô thị xanh bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi để xây dựng đô thị thông minh cần có nhiều yêu cầu lớn về nguồn lực đầu tư. Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta phải có một lộ trình pháp lý, cơ chế chính sách để xây dựng đô thị thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đô thị thông minh- một lựa chọn tất yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO