Đô thị thông minh: Xu hướng của hiện đại và tương lai

Nguyễn Phượng 29/08/2015 18:29

Việt Nam hiện có khoảng 755 khu đô thị nhưng làm thế nào để xây dựng thành phố thông minh với sự tích hợp đầy đủ các hệ thống tiện ích khác nhau nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của con người, đòi hỏi Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp phải tìm tòi nghiên cứu.

Internet Hàn Quốc nhanh nhất trên thế giới (nguồn: genk.vn)

“Đô thị thông minh” là gì?

Khái niệm “đô thị thông minh” ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, có thể đó là một đô thị hiện đại với đầy đủ các tính năng và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu của con người và công việc. Tuy nhiên, ngoài vấn đề giao thông, điện, nước… thì hệ thống phát triển hạ tầng mạng truyền dẫn, kết nối thông tin theo xu hướng “kết nối thông minh”, để giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời giúp cho đô thị có thể phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng…

Theo PGS - TS Đỗ Tú Lan, Nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, từ năm 1999 - 2010, dân số đô thị tại Việt Nam đã tăng từ 18,3 lên 26 triệu người và hiện có khoảng 755 khu đô thị. Theo tính toán, đến năm 2040, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay và sẽ có thêm 20 triệu người sinh sống. Nhưng trên thực tế, sự phát triển của đô thị ở Việt Nam đa số mới dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin (mạng Internet, cáp, truyền hình) ở mức đơn giản.

Bà Đỗ Tú Lan nhấn mạnh: Nền tảng của một thành phố tương lai sẽ là mạng lưới và những thông tin được mạng truyền tải, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng từ giao thông vận tải, an ninh, tới giải trí, đào tạo, y tế… được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường. Cụ thể hơn, cơ sở hạ tầng đô thị bao gồm nhà cửa, văn phòng, xe hơi, các phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, trường học, năng lượng và các trang thiết bị đều được kết nối thông qua cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến và hữu tuyến vào mạng Internet. Và Internet phát triển thành một “mạng lưới kết nối mọi thứ” (Internet of things), chứ không còn chỉ bó hẹp ở máy tính và các thiết bị di động truyền thống nữa.

Theo Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Đà Nẵng cho rằng: Chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đang theo đuổi sáng kiến xây dựng nền tảng kết nối cho thành phố với hệ thống gồm: Xây dựng mạng diện rộng của thành phố (mạng MAN), phủ sóng Wi-Fi cho tất cả các không gian công cộng như: Tụ điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu thương mại, khu hội chợ triển lãm… Ngoài ra, thành phố cũng đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh với các giải pháp ban đầu gồm: Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước thải, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và cảnh báo thiên nhiên.

Kinh nghiệm nhìn từ Hàn Quốc

Tiến sĩ Jae Yong Lee, ủy viên Ban Dự án thành phố thông minh - Gyeongsangbuk-do, Thư ký Ban hỗ trợ lập kế hoạch thành phố thông minh Hàn Quốc cho biết: Việt Nam đang xây dựng đô thị mới, chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh, mang lại tiện ích lớn cho người dân. Hàn Quốc đã ban hành luật Thành phố thông minh từ năm 2008 với 3 nội dung chính: Cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách. Ví dụ, để điều khiển giao thông, ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh còn có hệ thống giám sát từ bãi đỗ xe, hệ thống phân loại các loại xe như tại bến xe bus, người dân có thể biết mấy phút nữa thì xe buýt đến, đoạn đường nào đang bị tắc, đoạn đường nào đang có tai nạn... Tất cả thông tin này được tích hợp thông qua Trung tâm điều khiển điều phối CNTT.

Tiến sỹ Jae Yong Lee nhấn mạnh: Ngân sách để xây dựng thành phố thông minh lấy từ đâu. Ngày nay nhiều quốc gia cũng đang xây dựng đô thị thông minh và lo ngại về nguồn vốn. Tại Hàn Quốc, bắt đầu xây dựng các đô thị, các thị trấn thông minh trước khi xây dựng thành phố thông minh. Chính phủ Hàn Quốc đã khởi sướng xây dựng đô thị thông minh từ đầu năm 2003. Lúc đó, Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều đô thị vệ tinh thông minh xung quanh Thành phố Se Un. Sau khi mô hình được thống nhất, năm 2008 Chính phủ cũng mới bắt đầu xây dựng Luật về đô thị thông minh. Dựa trên cơ sở này, ngày nay Hàn Quốc đã xây dựng được 50 đô thị thông minh và mỗi thành phố thông minh lại có hệ thống thông minh khác nhau. Hàn Quốc đã tận dụng lợi nhuận phát triển đô thị khi công ty xây dựng những thành phố thông minh trích một phần lợi nhuận của mình theo Luật Hàn Quốc để tái đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị thông minh. Do vậy, nguồn vốn đầu tư sẽ lấy một phần từ công ty xây dựng, còn lại một phần do địa phương thực hiện, Trung ương không phải chi trả cho xây dựng. Chi phí trung bình xây dựng cũng không cao quá khoảng 30 triệu đô cho mỗi thành phố có mức dân số trung bình khoảng 10 triệu người.

Từ kinh nghiệm thực tế tại Hàn Quốc, nhiều chuyên gia tại Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất đối với việc xây dựng, quy hoạch lên những “đô thị thông minh” là vấn đề về nhận thức. Nếu không nhìn trước được xu hướng phát triển của “đô thị thông minh”, sự phát triển của công nghệ thì chất lượng cuộc sống của người dân trong 5 – 10 năm tới khó được cải thiện. Để tạo ra “đô thị thông minh” tại Việt Nam không có cách nào khác phải là sự kết nối các giải pháp của các tòa nhà, khu đô thị với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đô thị thông minh: Xu hướng của hiện đại và tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO