Chào mừng 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019): Đô thị thông minh tiện ích, an toàn với người dân

Nguyên Khánh 10/10/2019 08:00

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình TP thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ thông tin (CNTT), đây là nhu cầu bức thiết.

Chào mừng 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019): Đô thị thông minh tiện ích, an toàn với người dân

Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô Ảnh: Quang Vinh.

Thí điểm ứng dụng thông minh trên nhiều lĩnh vực

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết: Hà Nội dự kiến xây dựng TP thông minh gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của TP thông minh; Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; Giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển TP thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Để cụ thể hóa mục tiêu trở thành đô thị thông minh trong tương lai, cuối tuần qua Hà Nội đã tổ chức Lễ động thổ và công bố dự án TP thông minh - hoạt động thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô. Sự kiện này cũng đánh dấu bước khởi đầu trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh của Hà Nội đã được đặt ra.

Trước đó, Hà Nội đã triển khai thí điểm rất nhiều ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp như: Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING; thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); triển khai thí điểm hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Trong khi đó, các hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục duy trì, mở rộng. Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng diện rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn, đồng thời đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai các ứng dụng dùng chung của TP. Công tác an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng quan tâm. Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ tiếp tục được duy trì, mở rộng. Các hệ thống thông tin, ứng dụng chuyên ngành trong các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Công thương, Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo,... đã được triển khai hiệu quả.

Đặc biệt Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công, đây là những nỗ lực để đạt mục tiêu trở thành TP thông minh trong tương lai.

Phối hợp chặt chẽ để xây dựng đô thị thông minh

Theo UBND TP Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ nghiên cứu ban hành chiến lược, lộ trình xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT TP thông minh của TP Hà Nội”. Hình thành Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội với 08 Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý các hoạt động dịch vụ hành chính công; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế..

Để hướng tới mục tiêu “xây dựng TP thông minh” Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện tại, thành phố bắt đầu với việc thiết lập một hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn TP; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung, ưu tiên cho hình thức thuê dịch vụ CNTT…

“Trong bối cảnh của một thị trường năng động cùng với chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành một Thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh và thân thiện” với các giá trị cốt lõi hướng tới là một đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, Hà Nội đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu trở thành TP thông minh, đáng sống trong tương lai để phục vụ cho người dân tốt hơn và xây dựng một xã hội gắn kết rộng mở, thân thiện” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội sớm trở thành đô thị thông minh thì các dịch vụ công phục vụ người dân phải được chú trọng, làm sao đảm bảo tốt mối quan hệ giữa người dân và chính quyền TP, để người dân được thụ hưởng tất cả các tiện ích mà chính quyền TP nỗ lực xây dựng, thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chào mừng 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019): Đô thị thông minh tiện ích, an toàn với người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO