Chống ngập nước tại TP Hồ Chí Minh: Phải chỉ rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm

Thanh Giang 12/07/2019 23:35

Ngày 12/7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố. Tại cuộc họp, đại biểu băn khoăn, hiệu quả các dự án công trình chống ngập chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Các điểm ngập ở trung tâm giảm, nhưng vùng ven lại gia tăng.

Chống ngập nước tại TP Hồ Chí Minh: Phải chỉ rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm

Ngập nước ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP HCM, trong giai đoạn 2016-2020 UBND TP HCM tập trung nhiều vào công tác chống ngập. Kế hoạch đề ra, xác định giải quyết 40 tuyến ngập do mưa, giải quyết 9 tuyến ngập do triều, 179 tuyến hẻm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy, nâng cấp công suất 1 nhà máy và khởi công xây dựng 4 nhà máy. Kết quả thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện nay thành phố đã hoàn thành chống ngập do mưa đạt gần 60%, tuyến ngập do triều đạt khoảng 55%, xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt hơn 28%. Đại diện Ban Đô thị HĐND TP HCM cho rằng, kết quả chống ngập của thành phố đáng ghi nhận nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án đã hoàn thành, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về bố trí nguồn vốn,vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong xác định pháp lý đất đai.

Nói về hiệu quả các dự án chống ngập của thành phố, đại biểu Lê Minh Đức nhận định và đặt câu hỏi: “Số lượng điểm ngập cơ bản không còn ở trung tâm nhưng vùng ven lại bị ngập. Điều này chứng tỏ, các dự án chống ngập không theo kịp đô thị hóa. Tôi được biết, theo chuẩn hiện nay thành phố phải đảm bảo có 17% diện tích mặt nước phục vụ tiêu thoát nước. Vậy tỷ lệ này của thành phố đang ở mức bao nhiêu,có đảm bảo diện tích thoát nước không?”.

Bức xúc về tình trạng ngập lớn tại thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, không lo hệ thống kênh rạch thành phố. Hệ thống này đáp ứng tốt cho tiêu thoát nước. Thế nhưng, do người dân lấn chiếm kênh rạch, cơ quan quản lý cho lấn chiếm, lấp kênh rạch. “Có tình trạng lấn chiếm kênh rạch thì phải chỉ cho ra trách nhiệm thuộc về ai mới khắc phục được. Giờ nói xử lý nghiêm nhưng ai xử lý. Rất tiếc là giám sát của HĐND mới chỉ ra được tồn tại, nguyên nhân mà không chỉ ra được trách nhiệm của địa phương, cơ quan, hay cá nhân” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm. Bà Tâm trăn trở: “Chúng ta ngồi đây đánh giá cao hiệu quả của chống ngập nhưng thử hỏi xem người dân thành phố có đồng tình hay hài lòng không? Chống ngập có giảm phiền phức cho người dân không? Chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng đang ngập, đã ngập, tái ngập như thế nào? Tôi nói vậy không có nghĩa phủ định sạch trơn nỗ lực của thành phố nhưng để đi đến giải pháp cần cụ thể, đủ đô hơn mức hiện nay”.

Giải thích về hiệu quả chống ngập nước không đạt như mong muốn, ông Võ Văn Hoan- Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, bài toán chống ngập khá nan giải. Nguyên nhân chủ yếu tựu chung vào 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất, nhóm nguyên nhân tự nhiên là do triều, mưa, sạt lỡ, sụt lún. Thứ hai, tổ hợp mang tính chất xã hội cũng tác động lớn. Trong đó, quản lý nhà nước chưa tốt, nhận thức của dân cư chưa cao. “Lãnh đạo thành phố biết rõ, không giải quyết ngập nước thì đời sống người dân vô cùng khó khăn, thậm chí còn ảnh hưởng đến đầu tư, đến thúc đẩy kinh tế” - ông Hoan thừa nhận.

Theo đại diện UBND TP HCM, thời gian gần đây ngập vẫn xảy ra nhưng không phải ngập gay gắt như những năm trước. Đây chính là hiệu quả mà chúng ta thực hiện đồng bộ chương trình chống ngập. Sắp tới thành phố sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp để chống ngập như: Rà soát lại quy hoạch vì quy hoạch hiện nay khá lạc hậu chưa gắn với quy hoạch thủy lợi; đánh giá hiện trạng các con sông kênh rạch để xem mức độ sụt lún, sạt lở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ngập nước tại TP Hồ Chí Minh: Phải chỉ rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO