Hành trình tái định cư của người Thủ Thiêm - Kỳ I: Nỗi buồn dưới mái tạm cư

Lê Anh - Đoàn Xá 08/12/2018 08:00

Chúng tôi đã tới các khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Đây là những khu vực mà gần 20 năm qua rất nhiều người mang chung một nỗi buồn dưới mái tạm cư…

Hành trình tái định cư của người Thủ Thiêm - Kỳ I: Nỗi buồn dưới mái tạm cư

Toàn cảnh khu tái định cư Thủ Thiêm. Ảnh: Hoàng Triều.

Nông dân mất đất, tiểu thương mất chợ

Ở khu tạm cư An Phú (Q.2) rộng khoảng 1 ha, dù được xây vào năm 2002, nhưng đến nay đã xuống cấp, hư hỏng phần lớn. Phía dưới những tấm tôn lợp tạm bợ, đã hoen rỉ theo thời gian, là những hộ dân nghèo mấy mươi năm sống cảnh nóng nực vào mùa khô và thấm dột vào mùa mưa. Dù vậy, hai thế hệ người dân ở đây đã gắng gượng để sống, ước mong một ngày được chính quyền giải quyết thỏa đáng.

Kê vội bộ ghế nhựa chiếc còn, chiếc gãy, bà Nguyễn Thị Lan- một hộ dân ở đây mời chúng tôi ngồi và rót tạm ly nước lọc cho khách. Bà kể lại, chỉ vài năm khi khu tạm cư hình thành thì gia đình bà dọn về, khoảng năm 2009. Chính quyền khi đó hỗ trợ bà di dời về đây với số tiền 18 triệu đồng, số tiền chỉ đủ chi tiêu, mua sắm đồ sinh hoạt đơn sơ, tất nhiên chẳng đủ để mua 1m2 ở căn hộ tái định cư chỉ cách đó chừng vài chục mét.

“Gia đình tôi cực chẳng đã, có lúc về huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai mưu sinh, rồi khó khăn lại đeo đẳng, chúng tôi về lại khu tạm cư thì không còn được bố trí nữa, đành tá túc ở nhờ nhà em gái”- bà Lan nước mắt lưng tròng. Chẳng ngờ, hộ đầu tiên ở khu tạm cư mà chúng tôi được gặp lại cơ cực đến thế, đến một mái tạm cư cũng không có để che mưa nắng…

Theo chỉ tay của bà Lan, chúng tôi ghé thăm một hộ dân khác ở đây. Bà Lê Mỹ Phượng nói, gia đình bà trước đây có 187m2 đất ở Thủ Thiêm nhưng bị thu hồi cũng để làm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với số tiền ít ỏi nhận được, gia đình bà cũng không đủ mua căn hộ chung cư nên phải dọn về khu tạm cư. Số tiền được hỗ trợ, bà Phượng đủ mua chiếc máy photocopy và chiếc máy may. Nhà bị giải tỏa, gia đình bà Phượng chỉ biết nhờ hai công cụ mưu sinh này “cầm cự” được 7 năm qua. Bà con lối xóm ở khu tạm cư cũng thương giúp, đặt may gia công, lúc cần việc phô tô giấy tờ lại ghé ủng hộ, cũng giúp bà có thêm đồng rau dưa cho bữa cơm gia đình.

Cách vài mái tạm cư, hộ bà Đỗ Thị Tuyết trước đây khi chưa triển khai thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm rất khá giả nhờ buôn bán. Gia đình bà vốn có 3 căn nhà với khoảng 130m2, trong đó có 2 căn làm nơi kinh doanh may mặc, cao điểm có tới 20 thợ may.

Thế rồi, nhà bà cũng vào diện bị thu hồi giải tỏa, bà nhận số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng và phải về khu tạm cư này ở. Dù được hỗ trợ gấp cả chục lần một số hộ ở đây, nhưng số tiền được hỗ trợ vẫn ít ỏi không đủ để bà mua một căn chung cư cho cả gia đình.

Từ một tiểu thương danh giá, giờ đây gia đình bà Tuyết chỉ duy trì nổi một tiệm may nhỏ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Cuộc mưu sinh với bà Tuyết như một cơn gió thoáng qua, hóa nghèo quá nhanh và quá buồn.

Gặp nhiều hoàn cảnh, được nghe chia sẻ những nỗi buồn sâu thẳm, người cứng rắn nhất cũng phải mủi lòng. Bà con chia sẻ với chúng tôi về ước mong một ngày được bố trí nơi ở phù hợp hơn để mưu sinh. Có hộ thiết tha được bố trí một ki-ốt chợ để mưu sinh nghề cũ, nhưng cứ như giấc mơ bao năm qua chẳng thành hiện thực. Có hộ lại chẳng thiết tha ở chung cư, vì một lý do cực chẳng đã.

“Các anh thấy đó, chúng tôi đa phần làm nông, dựa vào ruộng đất mà cấy trồng. Nay lên chung cư ở, người nông dân biết mưu sinh thế nào thì tấc đất cũng không có. Mà ở chung cư mới phát sinh nhiều khoản tiền như phí vệ sinh, giữ xe, an ninh, tiền rác,…nhiều người không kham nổi” - bà Nguyễn Thị Lan nói với chúng tôi.

Hành trình tái định cư của người Thủ Thiêm - Kỳ I: Nỗi buồn dưới mái tạm cư - 1

Một hộ dân ở khu tạm cư An Phú, Q.2 bức xúc đưa ra bằng chứng bị cưỡng chế giải tỏa oan sai gần 20 năm.

Nỗi niềm ai thấu

Ngoài những hộ dân đã sống ở Thủ Thiêm từ nhiều đời do quy hoạch phải rời về khu tạm cư, cũng có những người rơi vào cảnh oái oăm phải rời đi vì nhiều lý do “dở khóc dở cười”.

Bà Hạnh- một hộ dân ở Thủ Thiêm kể, khi chính quyền quy hoạch thì gia đình bà đã phải rời đi mà không đủ khả năng ở lại mưu sinh. Lý do trước đây gia đình bà có hơn 300m2 đất ở Thủ Thiêm nhưng là mua theo giấy tờ viết tay. Trong lúc chưa kịp làm hợp đồng hay xin phép chuyển nhượng gì thì bị buộc di dời. Vì con gái bà khi đó vừa lấy chồng đang công tác tại một cơ quan hành chính ở Q.3 nên bà buộc phải nhận tiền và về Nhà Bè mua tạm miếng đất sinh sống. Bà chia sẻ, dù ấm ức phải rời đi, nhưng sợ khiếu kiện sẽ ảnh hưởng đến công việc và tương lai của gia đình con gái nên bà Hạnh im lặng bao năm nay.

Cách khu tái định cư An Phú không xa là khu tái định cư An Lợi Đông, với con đường đi vào lầy lội đủ mọi ổ voi ổ gà. Ông Lê Văn Hơn- một trong 4 hộ còn bám trụ ở đây, những mong chỉ phải ở tạm một thời gian ngắn để được bố trí tái định cư, thế nhưng thoắt cái đã gần 8 năm trôi qua. Cạnh gia đình ông, hộ chị Nguyễn Thị Oanh cho biết, dù chính quyền đã nhiều lần xuống vận động về khu tái định cư mới trong khu chung cư ở An Khánh (Q.2), thế nhưng cũng như ông Hơn, dù nhiều lần muốn đi vì ở khu tạm cư An Lợi Đông thiếu thốn trăm bề, môi trường sống tệ hại, ảnh hưởng nhiều đến gia đình và con cái.

“Nhìn những hộ dân đã chuyển đi, đến giờ vẫn chưa được bồi thường thoả đáng, chúng tôi quyết bám trụ lại chờ giải quyết xong vì sợ rằng đến khu tạm cư mới thì việc bồi thường sẽ bị ngó lơ, kéo dài”- chị Oanh tâm tư.

Có những người như bà Lê Thị The, năm nay đã 75 tuổi, cực chẳng đã phải rời đi nơi khác sinh sống sau khi nhận những đồng tiền đền bù rẻ mạt. Có người phải lặn lội qua Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hay một số khu vực huyện xa để sống do tiền đền bù không đủ để mua một căn tái định cư.

“Không ai muốn đi cả đâu, vì đây là đất của ông bà, tổ tiên lập nghiệp ở đây, đi sao đặng. Nhưng hàng xóm thì bị cưởng chế, nhà cửa tan nát cả, nên họ dần bỏ đi. Những hộ còn bám trụ ở lại thì bốn bề nước ngập, không điện, nước sinh hoạt”- bà The kể về làng xóm cũ ở Thủ Thiêm.

Hành trình tái định cư của người Thủ Thiêm - Kỳ I: Nỗi buồn dưới mái tạm cư - 2

Một góc khu tạm cư, được ghép bằng tôn đã rỉ hoèn và xuống cấp tại khu tạm cư An Phú, Q.2, TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngoài các khu tạm cư An Phú và An Lợi Đông, chính quyền TP HCM giai đoạn trước cũng đã tắc trách khi quy hoạch sai một khu vực rộng lớn, trong đó bước đầu Thanh Tra Chính phủ đã xác định được có 4,3 ha đã quy hoạch vượt ranh khỏi quy hoạch Thủ Thiêm. Chỉ riêng khu vực này, gồm toàn bộ khu phố 1 của phường Bình An (Q.2) đã có đến 321 hộ dân, cùng hàng ngàn nhân khẩu phải lưu tán khắp nơi do việc quy hoạch vượt ranh trên.

Trong số này, có những những người như ông Lê Văn Lung hay ông Nguyễn Văn Thạch còn lưu lại những giấy tờ, hồ sơ đầy đủ chứng minh chủ quyền. Thế nhưng tình cảnh này cũng là của hơn 100 hộ dân khác thuộc khu phố 1, phường Bình An, nhưng vì nhiều lý do đến nay đã lưu tán khắp nơi.

Nóng ruột, có trường hợp một số hộ dân đã về dựng lều bạt trên các khu đất trống để ở tạm, đợi được chính quyền xem xét thỏa đáng. Nhìn cảnh những căn nhà, người dân chỉ che tạm vài tấm bạt bao quanh cho gia đình 4 - 5 người cùng tránh mưa nắng qua ngày, ai thấy cảnh cũng không khỏi xót xa.

“Chúng tôi chỉ ao ước cuối đời được chính quyền tháo gỡ cái sai mình đã gây ra cho người dân Thủ Thiêm. Mong ước đau đáu này, không chỉ riêng tôi mà của hàng trăm hộ ở đây”- bà Giáp (KP.1, P.Bình An, Q.2) tâm tư, nhưng chính bà cũng không biết bao giờ ước mơ chính đáng ấy thành hiện thực...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình tái định cư của người Thủ Thiêm - Kỳ I: Nỗi buồn dưới mái tạm cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO