TP Hồ Chí Minh: Lo ngại sụt lún, sạt lở

Lê Anh 08/08/2019 08:00

Do nhiều tác nhân (nâng cốt nền đô thị, xâm nhập mặn, triều cường, khai thác tài nguyên nước,…), một số khu vực của TP HCM đang có hiện tượng bị lún sụt, sạt lở ở mức độ khá phức tạp. Hiện tượng này  đặt ra nhiều lo ngại về quy hoạch đô thị.

TP Hồ Chí Minh: Lo ngại sụt lún, sạt lở

Do ảnh hưởng của lún sụt hạ tầng, chung cư 518 đường Võ Văn Kiệt (Q.1) bị nghiêng ở mức độ quan sát bằng mắt thường vào hồi đầu năm nay.

Các kết quả đo đạc địa chất của Cục Quản lý Tài nguyên nước vừa công bố, cho thấy khu vực P.An Lạc (Q.Bình Tân, TP HCM) đang có tốc độ lún gia tăng, ở mức 81,4cm chỉ trong vòng 12 năm qua. Cụ thể, trong khu vực vùng lún trên 10cm được đo đạc, P.An Lạc có tốc độ lún lớn nhất, trung bình là 6,78cm/năm trong số 9 tỉnh, thành phố được khảo sát. Đây chỉ là một khu vực điển hình, trong khi trên toàn địa bàn TP HCM có tốc độ sụt lún trung bình là 40mm/năm, có nơi vượt ngưỡng 67mm/năm.

Hạ tầng giao thông là một trong những điển hình dễ nhận thất nhất của hiện tượng sụt lún. Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP HCM) cho thấy mức độ của lún sụt rất phức tạp, nặng nhất là đoạn dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (kết nối với Q.2). Tại đây, kết cấu hạ tầng không bằng phẳng, địa hình chỗ cao chỗ thấp. cùng nhiều rãnh hở do phần đất bên dưới bị lún. UBND TP HCM khắc phục bằng cách thuê tư nhân sử dụng “máy bơm thông minh” để thoát nước cho khu vực, với chi phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Chính quyền thành phố cũng phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) để kiểm định chất lượng và quá trình mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún sụt, với mức độ cao từ 5cm đến khoảng 1m. Đến nay, khu vực này còn hình thành các “hẻm lún” (khu phố 4), gây lo ngại về quy hoạch chung của thành phố.

Một khu vực khác được đặt trong trạng thái “điểm đen” của sạt lở và sụt lún là nhà ở tự phát ven kênh Bến Nghé - Tàu Hũ (khu vực P.16, Q.8). Các bó vỉa dưới chân các cầu vượt bộ hành bắc qua hai bờ kênh này đang có hiện tượng tụt xuống, trung bình tụt sâu 15cm đến 20cm, tạo thành những vùng trũng. Mới đây, trường hợp Công trình thi công dự án cải thiện môi trường nước TP HCM khiến một nhà dân tại hẻm 481 đường Ba Đình (P.9, Q.8) bị sụt lún và phải sơ tán khẩn cấp là một điển hình của các nguy cơ được cảnh báo từ trước.

Tình trạng này cũng đã được UBND TP HCM đặt ra tại cuộc họp về chống ngập mới đây. Giải pháp ban đầu được UBND TP nhắm đến, là ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025. Mục tiêu là giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố xuống còn khoảng 100.000 m3/ngày. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Lê Ninh- nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM đặt ra lo ngại, khi các giếng khai thác nước ngầm ở hộ dân hiện nay vẫn chưa thể có số liệu thống kê đồng nhất và đầy đủ, khiến mức độ khả thi của kế hoạch trên là không cao.

Theo kỹ sư Trần Văn Phương và KTS Nguyễn Văn Biểu, tốc độ đô thị hóa khiến mật độ dân cư tập trung về các quận 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn ngày càng lớn hơn trước đây. Trong đó, Sở Tài nguyên - Môi trường TP từng khảo sát và đưa ra số liệu nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn TP HCM lên đến gần 720.000 m3/ngày và không có dấu hiệu dừng lại. Theo hai chuyên gia này thì dù rằng giải pháp “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP HCM bằng kỹ thuật INSAR vi phân” đã được chính quyền TP triển khai, nhưng nếu không có sự đồng bộ về giải pháp, cũng như quy hoạch dài hạn về hạ tầng đô thị, không sớm thì muộn hậu quả của lún sụt, sạt lở sẽ tạo sức ép mạnh mẽ vào đô thị lớn nhất nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Lo ngại sụt lún, sạt lở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO