Vinh quang thành phố mang tên Bác

Thành Luân 30/04/2020 08:00

Từ một đô thị mang không ít vết thương sau chiến tranh, với những con kênh đen, đường xá lầy lội, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 45 năm sau đã phát triển cả về chiều dài, chiều rộng. Ngày nay thành phố mang tên Bác có bề sâu không gian đô thị và hạ tầng giao thông thông minh dù đang còn nhiều khó khăn cần tiếp tục phát triển nhưng vẫn lọt vào tốp các đô thị phát triển của khu vực….

Vinh quang thành phố mang tên Bác

Khu vực 3 quận phía Đông của TP HCM, gồm Q.2,9,Thủ Đức.

Bình cũ nhưng rượu đã mới

Năm 2020 là thời điểm vừa tròn 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 2020 cũng là năm đầu UBND TP HCM xúc tiến xin Trung ương cho thành lập “Thành phố khu Đông” trực thuộc thành phố hiện hữu. Đây là nỗ lực để cụ thể hóa Đề án đô thị thông minh mà đô thị đông dân nhất nước đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm. Bằng việc sáp nhập ba quận của khu Đông, gồm Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức, với kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng hạt nhân sản sinh ra các giá trị mới, nhất là cơ hội thúc đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên những nền tảng trụ cột có sẵn.

Về đề xuất này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM) cho rằng, căn cứ theo bản kiến nghị của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về quy trình sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập Khu đô thị sáng tạo phía Đông thì có thể thấy đây là mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Đồng thời, nếu xét về vấn đề quy hoạch thì không có gì đáng nói, nhưng nếu xét về cơ chế lại là vấn đề “bình cũ nhưng rượu mới”. Theo chuyên gia thuộc Ủy ban MTTQViệt Nam TP HCM, việc thành lập thành phố khu Đông của TP HCM sẽ được thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo cơ chế mới để phù hợp với quy mô một đô thị sau khi thành lập, với diện tích tự nhiên lớn hơn 211,5 km2 và quy mô dân số cũng vượt hơn 1,1 triệu dân.

Sở dĩ là “bình cũ” vì từ năm 1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 03-CP phân địa giới huyện Thủ Đức thành 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Lần chia tách đầu tiên này, sau 23 năm đã biến cả 3 quận thành những trụ cột về nhiều tiêu chí. Cụ thể, theo ông Nguyễn Thanh Nhã- Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, thành phố hiện nay hình thành được 3 khu đô thị mới phía Đông là Khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2) được quy hoạch chính là trung tâm tài chính kinh tế của thành phố; Khu công nghệ cao (Q.9) là nơi thực hành những ý tưởng sáng tạo, với việc liên kết với Khu Đại học Quốc gia ở Q.Thủ Đức, được coi là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế, quy tụ hàng nghìn sinh viên trên cả nước. Các ý tưởng về khu đô thị sáng tạo sẽ được thực hành tại Khu công nghệ cao, thí điểm, sau đó chuyển sang thương mại hóa giai đoạn đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Như vậy, dù trước năm 1997 thành phố đã có một địa giới bao gồm phần địa giới mà năm 2020 chính quyền TP HCM xin sáp nhập lại, nhưng nay có thể khẳng định “bình cũ nhưng rượu đã mới”. Theo định hướng quy hoạch do Sở Nội vụ TP HCM đề nghị với Bộ Nội vụ về hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập thành phố khu vực phía Đông của TP HCM, quy mô trong lần sáp nhập trở lại sẽ giúp đô thị vệ tinh này tương đương cơ chế một thành phố, tức mô hình thành phố (nhỏ hơn) thuộc thành phố (lớn hơn). Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, lâu nay rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của TP HCM được ví như cơ thể một người đang mặc “chiếc áo đã chật”. Bên cạnh đó, suốt nhiều năm địa phương có nền kinh tế hàng đầu khu vực phía Nam và cả nước vẫn phải chấp nhận tái đầu tư, tái sản xuất từ con số ngân sách giữ lại rất khiêm tốn. Cho đến nay, dù TP HCM là địa phương mà tất cả nhân tố tăng trưởng rất ấn tượng, đặc biệt là xuất khẩu và các khoản đầu tư của Chính phủ, nhưng TP HCM cũng chỉ được giữ lại 18% ngân sách, đã khiến không ít đề án, ý tưởng tái thiết cho phát triển gặp cản trở.

Theo vị chuyên gia này, chỉ khi Nghị quyết 54 của Quộc hội cởi trói về cơ chế cho TP HCM được vài năm gần đây thì đô thị này có cơ hội bứt phá trở lại. Đô thị thông minh được kiên trì theo đuổi nhiều năm, và điểm nhấn từ đầu năm 2020 đang được nói tới rất nhiều, chính là quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông này. Thực chất, đây là vấn đề cơ chế. TP HCM thực sự muốn có cơ chế để bứt phá thông qua một loạt các chính sách đặc thù, từng bước quy hoạch sâu hơn và thực hiện sát hơn các chính sách nhảy vọt.

Với lợi thế là một khu vực sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, như Xa lộ Hà Nội, Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Khu Đại học Quốc gia TP HCM, Khu Công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh tin rằng câu chuyện “lập tái - tái lập” lần này để làm Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ giúp TP HCM có hạt nhân thật sự để xây dựng thành công đô thị thông minh.

Thành phố nhìn từ đô thị thông minh

45 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền tảng đô thị của TP HCM hiện nay có diện mạo mới, phát triển rất xa do với quy mô hình của nền kinh tế những năm đầu giải phóng. Ước tính chỉ xét về quy mô dân số của thành phố cứ sau 5 năm, lại tăng thêm 1 triệu dân, kèm theo các áp lực về công ăn việc làm, nếu không có cơ chế đặc thù để tháo gỡ, nền kinh tế đứng đầu cả nước này sẽ không chịu nổi sức ép cơ chế.

Một trong số đó, nhiều chuyên gia từng hiến kế UBND TP HCM kiến nghị với Trung ương để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% (giai đoạn 2018-2020) lên 24% giai đoạn tiếp theo và đạt 33% cho giai đoạn 2026-2030. Chỉ với quy mô vốn này, mới đảm bảo cho giai đoạn phát triển đô thị thông minh của TP HCM.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện TP HCM dù vẫn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và khu vực phía Nam nhưng trong nhiều năm trở lại đây một số trung tâm tăng trưởng lớn cũng đang cạnh tranh với TP HCM nhiều lên. So với các thành phố trực thuộc Trung ương, TP HCM chỉ đứng sau Hải Phòng với mức tăng trưởng trung bình 7,86%, tuy nhiên lại đang gặp nhiều thách thức trong nỗ lực xây dựng đô thị thông minh. Nếu xét về thu chi ngân sách trung ương tăng lên nhưng chi cho ngân sách địa phương thì lại có xu hướng giảm đi. Và, nếu các thế mạnh của TP HCM như tính năng động, sáng tạo bị trói buộc thì cũng rất khó để vận dụng cơ chế.

Chuyên gia Lương Văn Tự-nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC cho rằng, nếu TP HCM chỉ lấy các đô thị trực thuộc Trung ương để so sánh hay động lực tăng trưởng thì chưa đủ. Với tiềm lực và cơ chế đặc thù đã sẵn sàng, TP HCM cần các mục tiêu tầm khu vực và thế giới. Vị chuyên gia này đề xuất 3 phương án huy động vốn, bao gồm từ nhà đầu tư nước ngoài và nguồn kiều hối; vốn từ doanh nghiệp và vốn tài nguyên hiện có. Trong đó, khi xây dựng thành phố thông minh thì yếu tố không thể thiếu chính là văn minh giao thông cần được lưu ý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Trung ương nên cho TP HCM một hệ thống thể chế - cơ chế có mức độ độc lập tự chủ trong quyền điều hành phát triển về quy hoạch; hệ thống về thu - chi, bộ máy, chính sách và trách nhiệm kèm theo. Ngoài ra, nếu TP HCM phát triển, trách nhiệm đầu tàu được đảm bảo sẽ tiếp tục giúp lan tỏa ra cả nước và cả nước sẽ cùng hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, nếu nguồn lực cho TP HCM không đủ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố và cũng gây thiệt hại chung cho cả nền kinh tế, bởi vì thành phố là đầu tàu của cả nước.

Có thể nói, TP HCM đang ở một diện mạo rất khác so với quy mô nền kinh tế của 45 năm trước, hiện đang đảm bảo là một trung tâm kinh tế của cả nước. Dù vậy, nếu nhìn ra bên ngoài, TP HCM vẫn chỉ là đô thị tầm trung bình khi có tỷ lệ chi rất thấp so với hầu hết các thành phố khác, như Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Jakarta. Do đó, ngoài vấn đề ngân sách giữ lại, TP HCM nhất thiết phải tận dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, và coi đây là “mỏ vàng” cho quá trình xây dựng đô thị thông minh và đô thị sáng tạo tới đây.

Với lợi thế là một khu vực sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Khu Đại học Quốc gia TP HCM, Khu Công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh tin rằng câu chuyện “lập tái - tái lập” lần này để làm Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ giúp TP HCM có hạt nhân thật sự để xây dựng thành công đô thị thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinh quang thành phố mang tên Bác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO