Doanh nghiệp chờ được giảm thuế giá trị gia tăng

T.Hằng 05/05/2023 10:00

Theo Dự thảo, năm 2023 Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Về thời gian áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế - Deloitte Việt Nam cho rằng đây là một đề xuất đúng đắn, kịp thời. “Đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% mà không tiếp tục áp dụng hạn chế đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định được kỳ vọng sẽ giải quyết được hầu hết những bất cập phát sinh” - ông Tuấn nói và cho rằng, doanh nghiệp (DN) và cơ quan thuế sẽ không phải phát sinh thêm chi phí, thời gian để xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc hay không thuộc đối tượng được giảm thuế. DN có thể xuất hóa đơn chung cho tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (được giảm còn 8%) thay vì phải tốn chi phí, thời gian để sửa đổi hệ thống quản lý để xuất riêng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT này.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long - người sáng lập và CEO của AFA Group, chính sách giảm thuế giống như chính sách “khoan thư sức dân” nhằm hỗ trợ người dân giảm các gánh nặng, qua đó tạo điều kiện để DN, người dân vượt khó, vươn lên, thúc đẩy đất nước phát triển.

“Thuế GTGT là loại thuế gián thu người tiêu dùng sản phẩm, sử dụng dịch vụ phải trả. Nếu thuế GTGT giảm, giá thành sản phẩm, dịch vụ tới tay người tiêu dùng cũng giảm, người dân có tâm lý thoải mái hơn khi mua sắm, từ đó đẩy mạnh thanh khoản, DN cũng sẽ dễ thở hơn. Giảm thuế GTGT chính là giúp người dân giảm được gánh nặng chi tiêu, qua đó kích thích cầu tiêu dùng” - ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO của AFA Capital nhận định, việc Bộ Tài chính giảm thuế GTGT có 3 tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn.

“Thuế giảm cũng sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, tức là lạm phát giảm. Lạm phát được kiểm soát cũng sẽ giảm áp lực lên chính sách tiền tệ” - ông Tuấn chia sẻ, tuy nhiên vị này cũng cho rằng, việc tăng chi, giảm thu sẽ không tạo sức ép nợ cho các năm sau. Hiện tại, trần nợ công của Việt Nam dưới 65% GDP, vẫn trong vùng an toàn. Do đó, chính sách giảm thuế của Bộ Tài chính là giải pháp cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay, có thể nói là bản lề cho các mục tiêu kinh tế quan trọng khác.

Theo tính toán của giới chuyên gia tài chính, khi chính sách giảm thuế GTGT lần này được thông qua, có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chờ được giảm thuế giá trị gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO