Doanh nghiệp chờ tiếp sức

Thuý Hằng 01/08/2021 15:20

Dịch Covid-19 bủa vây khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, vào thời điểm này thì nguồn nguyên liệu đang rất khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp kêu khó kéo theo hàng loạt lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Gặp khó về nguyên liệu

Do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, một số địa phương thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg. Điều này đã trực tiếp tác động đến hoạt động giao thương giữa các địa phương, các doanh nghiệp. Một số địa phương còn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ để đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh. Nhưng dù đã đáp ứng, 3 tại chỗ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc ở khâu vận chuyển nguyên liệu khiến cho hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho biết, hiện chỉ có khoảng 10-15% doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện được phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. “Nhưng khi đã đáp ứng được 3 tại chỗ thì doanh nghiệp lại đối mặt với vấn đề nguyên phụ liệu cho sản xuất”, ông Việt nêu thực trạng.

Theo ông Việt, trước đây nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, sau khi nguồn cung này bị đứt gãy do dịch bùng phát mạnh trong năm 2020, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước. Trong điều kiện bình thường, nguồn cung trong nước phát huy được rất nhiều lợi thế do có thể cung ứng liên tục theo hình thức “cuốn chiếu”, thời gian vận chuyển ngắn, không cần quá nhiều kho bãi để dự trữ.

Cũng thực hiện “3 tại chỗ” song ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, công ty có một số khó khăn do một số khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển…

“Ở kênh phân phối, khi đưa hàng về các kho trung chuyển vì có trường hợp dương tính nên hàng hóa bị kẹt trong khi mỗi ngày ngày tập đoàn vẫn đảm bảo đáp ứng từ 2,5-3 ngàn đơn hàng. Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kèm Chỉ thị 12 của Thành ủy TP HCM, quy định thắt chặt về quy định giao hàng nên chúng tôi chỉ làm việc đến 16 - 17h”, ông Trung chia sẻ

Trong khi đó các nhà máy ở Bắc Giang, Bắc Ninh rất lo lắng, bởi tình hình dịch hiện này khiến họ rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách. Doanh nghiệp phải đàm phán với khách hàng về thời gian hoàn thành đơn hàng cho hợp lý.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động chia sẻ, ở Bắc Giang, Bắc Ninh có các cụm công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia. Nếu nhà máy A bị dịch thì chuyển đổi ngay sang nhà máy khác để điều chỉnh, đảm bảo sản xuất. Ở phía Nam, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương các cụm công nghiệp làm dệt may da giày, linh kiện điện tử. Các đơn hàng quốc tế, thời gian giao hàng ngặt nghèo, dễ bị phạt nếu chị chậm.

DN ngừng hoạt động nhiều hơn DN mới thành lập

Làn sóng thứ 4 của dịch bệnh đã nhanh chóng lan ra 58 tỉnh, thành phố, trong đó đến trung tâm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là TP HCM và một số tỉnh lân cận.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng chống dịch” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cho thấy, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có thể sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh...

Theo đó là sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn.

Nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản và rời khỏi thị trường của doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới. Với các doanh nghiệp FDI, nếu bị dừng sản xuất quá lâu, thiệt hại quá lớn, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi thị trường. Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn sản xuất, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước.

Báo cáo mới nhất về tình hình hoạt động của doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố 7 tháng năm nay số doanh nghiệp ngừng hoạt động 79.700 lớn hơn số doanh nghiệp mới thành lập là 75.800.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn. Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa…

Người lao động lao đao

Anh Trần Văn Nam, chị Hoàng Hồng Hạnh ở Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, hơn 3 tháng nay gia đình gần như không có thu nhập. Chị là giáo viên mầm non, học sinh nghỉ học vì giãn cách nên lương của chị cũng không có. Còn anh Trần Văn Nam đi làm ở công nhân ở một khu công nghiệp ở Bình Dương, việc ít nên anh cũng đã về Bà Rịa -Vũng Tàu từ cuối tháng 4.

“May mà chúng tôi còn kịp quy về được một mối, chứ thời điểm đó mà còn dềnh dàng thì nay mỗi người một ngả”, chị Hạnh nói.

Thực trạng người lao động gặp khó khăn vì Covid-19 ngày càng lớn. Do vậy, việc hỗ trợ cho người lao động cần kíp hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường ĐH Full Bright Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn phải dồn sức chống dịch và đảm bảo động lực cho tăng trưởng là sản xuất công nghiệp. Cũng không thể hy sinh các tiêu chuẩn phòng chống dịch. Muốn duy trì sản xuất thì vẫn phải đảm bảo an toàn, xét nghiệm cho công nhân, thực hiện 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.

“Nếu muốn thực hiện mục tiêu kép thì phải tốn nhiều tiền và sức lực hơn. Cả nền kinh tế đang gồng mình thực hiện điều này. Đây là thời điểm Nhà nước cần mạnh tay chi hỗ trợ hơn, nếu ngân sách vẫn còn cho phép”, ông Thành nói.

Còn theo VCCI, cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng bằng một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

Ưu tiên triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vaccine phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp (không chỉ là người lao động tại các khu công nghiệp) nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, duy trì được các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định: Chúng ta cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine.

“Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt chính vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV tăng trưởng kinh tế sẽ có sự phục hồi”, ông Lực bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chờ tiếp sức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO