Doanh nghiệp FDI ngại phí bôi trơn

Minh Phương 03/04/2018 08:00

Theo nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) thì môi trường đầu tư tại Việt Nam đang sáng lên. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp FDI vẫn bày tỏ mong muốn môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện hơn nữa, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính, chính sách về thuế, hải quan.

Doanh nghiệp FDI ngại phí bôi trơn

Các loại chi phí không chính thức vẫn là yếu tố khiến DN FDI e ngại.

Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng sáng lên và đó là cơ sở để họ mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù vậy, theo đại điện một số tổ chức DN nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… thì Việt Nam cần phải có những cải thiện về chính sách hơn nữa để các DN nước ngoài yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư.

Muốn mở rộng kinh doanh

Trong một hội thảo liên quan đến việc đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây, phía JETRO cho biết, 70% DN Nhật Bản cho rằng sẽ có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, theo ông Naoki Takeuchi – Đại diện JETRO tại Hà Nội, với những thuận lợi về môi trường kinh doanh mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện, cộng với sự ổn định về tình hình chính trị xã hội, khả năng tăng trưởng của thị trường cao.

Có đến 70% DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết, muốn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo vị này, so với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản.

Một con số được tổ chức JETRO khảo sát cho thấy, năm 2017, số DN Nhật Bản làm ăn có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm % so với năm 2016. “Những thuận lợi về thị trường với khả năng tăng trưởng cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công không quá cao… là những yếu tố vẫn luôn hấp dẫn các DN Nhật Bản nói riêng, các DN FDI nói chung. Đó cũng là những điểm mạnh khiến cho đến 70% DN Nhật Bản khi được hỏi cho là sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam” - ông Naoki Takeuchi nhận định.

Mặc dù vậy, theo ông Naoki Takeuchi, nhiều DN Nhật Bản vẫn bày tỏ mong muốn rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cần phải được cải thiện hơn nữa, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính, chính sách về thuế, hải quan để các DN FDI có thêm động lực đầu tư vào đây. Và không chỉ các DN Nhật Bản, theo phản ảnh của các tổ chức DN thuộc Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc… cũng cho biết, trong thời gian qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thực sự sáng lên. Đó là lý do các DN FDI vẫn tiếp tục muốn bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Sợ các loại phí không chính thức

Theo đó, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt và cơ chế, thủ tục thuế rườm rà... là những yếu tố tạo nên rào cản lớn đối với các DN FDI.

“Trong số những rào cản này, rào cản về thủ tục thuế được các DN phàn nàn nhiều nhất. Những chính sách về thuế luôn là vấn đề khiến các DN Nhật Bản đau đầu trong nhiều năm qua. Có DN cho biết, để được hoàn thuế VAT sẽ phải trình rất nhiều thủ tục phức tạp, hay có những “gợi ý” về khoản chi phí không chính thức, phí “bôi trơn” nếu muốn nhanh về mặt thời gian, giảm những khâu giấy tờ hành chính… DN FDI rất sợ yếu tố này. Đây là những điểm nghẽn mà môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải khắc phục” – ông Naoki Takeuchi nhấn mạnh.

Ngoài ra, các DN Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn phản ánh những khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu của Việt Nam trong năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016, đạt tỷ lệ 33,2%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hơn 67%, Thái Lan gần 57%, Indonesia hơn 45%.

Cũng liên quan đến các chính sách, cơ chế hoạt động trong môi trường kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) Hiroshi Karashima kiến nghị, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh sự minh bạch và công bằng trong diễn giải các quy định pháp luật. Theo ông Hiroshi Karashima, việc minh bạch và công bằng trong các quy định pháp luật chính là điều kiện không chỉ DN Nhật Bản mà các DN đến từ các nước khác cũng mong muốn để có những quyết sách hợp lý khi có ý định bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Nhận định về môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, ông Jonathan Moreno từng nêu ra quan điểm, chi phí kinh doanh và chi phí quan liêu phi sản xuất là những yếu tố kéo giảm năng lực của Việt Nam trên toàn cầu. Bởi vậy, nhà quản lý cần phải khắc phục được những nhược điểm này để tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp FDI ngại phí bôi trơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO