Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam

V.Thắng (theo TTXVN) 07/12/2022 07:00

Ngày 6/12, sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Thủ đô Seoul với hơn 500 đại diện tới từ các doanh nghiệp của hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi Tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn Hàn Quốc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm tới các cơ chế, chính sách mới nhất liên quan đến đầu tư, thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xe ô tô điện, đầu tư tài chính, logistics, đa dạng hóa chuỗi giá trị, văn hóa, truyền thông số.

Các DN Hàn Quốc tiếp tục bày tỏ mối quan quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam; đánh giá cao môi trường đầu tư và những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; tin tưởng vào những biện pháp quyết liệt, hiệu quả của Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó với các sự cố bất thường. Nhiều DN của Hàn Quốc khẳng định tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, tái đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hoan nghênh các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 400 tỷ USD. Việt Nam thuộc Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, với hơn 34.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 400 tỷ USD đến từ 140 quốc gia, đối tác quốc tế. UNCTAD đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Nhiều định chế tài chính quốc tế như WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) đều liên tục điều chỉnh nâng mức dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam (trên 7% năm 2022). Đặc biệt Moody’s và S&P xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2022 của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian tới trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2030 và Kế hoạch phát triển đến 2025, Việt Nam tập trung phát huy tốt nội lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sang nền kinh tế số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với việc thực hiện các cam kết của 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Nhấn mạnh nền kinh tế Hàn Quốc lớn hàng đầu Châu Á, Việt Nam là nền kinh tế năng động và tiềm năng bậc nhất ASEAN, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng và lâu dài; mong muốn cùng Hàn Quốc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với trụ cột và động lực quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm về chủ trương chiến lược mới của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hơn, hiệu quả hơn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI trước đây, sang “hợp tác” mang tính dài hạn với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch nước hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; đồng thời mong muốn có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Samsung Electronics. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tập đoàn đang đầu tư hiệu quả tại Việt Nam với số vốn lên tới 18 tỷ USD và năm ngoái xuất khẩu các sản phẩm đạt 65,5 tỷ USD, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam; đóng góp lớn cho quan hệ hai nước, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của thế giới.

Chủ tịch nước đánh giá cao Tập đoàn có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nâng vốn lên 20 tỷ USD và mong muốn Samsung tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông minh, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất, đi đầu và đón bắt được thời cơ về công nghệ mới.

Chủ tịch nước đánh giá cao Samsung thực hiện đúng cam kết, trở thành một trong những tập đoàn nước ngoài tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn tham gia triển lãm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sắp tới.

Cùng ngày, tại Thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo.

Hiện nay Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 400 tỷ USD. Việt Nam thuộc Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, với hơn 34.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 400 tỷ USD đến từ 140 quốc gia, đối tác quốc tế. UNCTAD đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO