Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sạch: Cần xác định là chiến lược dài hạn

Minh Phương (thực hiện) 25/04/2017 10:00

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang trở thành mối lo thường trực trong mỗi bữa cơm gia đình, mối quan tâm đầu tiên của người tiêu dùng chính là tìm mua sản phẩm sạch ở đâu, kể cả khi họ phải trả giá cao. Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc có những trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Bà Đặng Thúy Hà.

PV:Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đã được xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi phải trả giá cao cho một sản phẩm sạch, bà đánh giá thế nào về điều này, thưa bà?

Bà Đặng Thúy Hà: Nghiên cứu của chúng tôi trong quý IV/2016 về mối quan tâm của người tiêu dùng cho thấy, sức khỏe là mối quan tâm thứ 2 của người tiêu dùng. Những thứ liên quan đến sức khỏe gồm thực phẩm, sản phẩm sử dụng hàng ngày, kết hợp chế độ ăn uống ngủ nghỉ… Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn luôn băn khoăn rằng thực phẩm hiện nay có đảm bảo sức khỏe không, hay về lâu dài có tác động tiêu cực đến sức khỏe hay không… Đó là mối quan tâm chính của khách hàng.

Còn nhớ hồi năm 2013, khi thực hiện một nghiên cứu, chúng tôi nhận được câu trả lời, khách hàng thật sự không biết mua thực phẩm sạch ở đâu. Nghiên cứu cho thấy, trên 80% người tiêu dùng chấp nhận sẵn sàng trả cao hơn cho những sản phẩm đem lại sự phát triển bền vững, cam kết về sản phẩm bởi mối quan tâm của người tiêu dùng là thực phẩm mang lại tác hại lâu dài cho sức khỏe.

Theo bà, đây có phải là cơ hội để các DN Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực thực phẩm sạch?

- Tất nhiên rồi, đây là cơ hội để các DN Việt Nam quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Và trên thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhiều DN đã nắm bắt được cơ hội này, xây dựng chiến lược thương hiệu xanh, quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội, nguyên vật liệu làm sản phẩm – những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, những DN khi đã cam kết sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm xanh, sạch luôn có mức tăng trưởng cao hơn những DN cùng ngành. Theo đó, nếu DN bình thường tăng trưởng chỉ 1% thì DN cam kết về sản phẩm xanh có mức tăng 4%, đặc biệt trong ngành thực phẩm nước giải khát mức tăng trưởng từ 2%-11%...

Như vậy, mối quan tâm của khách hàng, nhu cầu thị trường, thành công của những DN khi cam kết và thực hiện phát triển xanh chính là những động lực để DN tiếp tục đầu tư, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn xanh và sạch. Và chỉ có phát triển theo mục tiêu này DN mới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải DN nào muốn phát triển xanh cũng có thể thành công, mà họ còn gặp nhiều khó khăn?

- Quả thực, trong quá trình phát triển theo khuynh hướng xanh, các DN cũng gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt ở Việt Nam có nhiều DN nhỏ và vừa, quy mô nhỏ, vốn ít. Bởi lẽ, muốn phát triển xanh thì DN phải đầu tư về con người, nguyên vật liệu, công nghệ…

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là thái độ, sự nhìn nhận của DN trong vấn đề này. Liệu họ có thực sự muốn giữ thương hiệu, uy tín hay không khi đã bước vào lĩnh vực này. Có những DN khi chỉ giữ được chữ tín một thời gian nhưng sau đó lại bị lợi nhuận khiến họ “chùn bước”.

Bởi vậy, tôi cho rằng vẫn cần có sự quan tâm của Nhà nước, bởi trong chu trình từ sản xuất đến phân phối, logistics đến tay người tiêu dùng, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình sử dụng, thì việc giám sát cũng rất quan trọng.

Vai trò của Nhà nước là thông tin minh bạch làm sao hỗ trợ DN, nhất là cho những DN thực sự đang làm tốt, phát hiện đâu là DN làm ăn chân chính, đâu là DN làm ăn chộp giật. Vai trò của Nhà nước trong việc thông tin minh bạch như vậy giúp DN tự tin hơn trong việc phát triển xanh, bền vững.

Bà có khuyến cáo gì đối với các DN khi đã xác định sẽ cam kết phát triển xanh?

- Theo tôi, khi thực hiện chiến lược xanh DN cần coi đây là chiến lược phát triển kinh doanh mang tính dài hạn nên phải chú ý đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng, do đó những sản phẩm làm ra điều đầu tiên phải xác định mục tiêu là có lợi cho người tiêu dùng, đưa ra sáng kiến về sản phẩm mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thứ hai, khi đã có sản phẩm xanh, sạch DN cần thông tin minh bạch cho khách hàng và phải thực hiện đúng cam kết, giữ chữ tín.

Tiếp đó là chiến lược truyền thông, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông. Hiện nay, kênh mang lại thông tin cho nhiều người tiêu dùng vẫn là tivi, tuy nhiên kênh kĩ thuật số cũng là kênh DN cần chú ý. Người tiêu dùng hiện nay online rất nhiều, trung bình mỗi người sử dụng 24,7 giờ/tuần để vào mạng. Do đó, những kênh tivi, mạng xã hội là những kênh cần chú trọng để kết nối với người tiêu dùng.

Cuối cùng, khi sản phẩm đã được quảng bá tốt thì làm sao có thể đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, và tôi cho rằng ở Việt Nam kênh phân phối truyền thống vẫn là kênh quan trọng.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sạch: Cần xác định là chiến lược dài hạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO