Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số: Chuyển đổi hay chấp nhận lụi tàn?

Minh Phương 17/09/2020 09:20

Trong cuộc đua chuyển đổi số, ai đi nhanh thì càng nắm được nhiều lợi thế, ai đi chậm sẽ bị tụt hậu đằng sau, giới chuyên gia nhận định như vậy khi nói về số phận của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Thay đổi hay ở lại phía sau, điều đó phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.

Sự sụp đổ của những “gã khổng lồ”

Nói về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay, một chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, nhiều doanh nghiệp (DN) cứ nghĩ, quá trình chuyển đổi số còn ở xa lắm, nên không việc gì phải vội, cứ... bình tĩnh và không việc gì phải vội. Thế nhưng, chỉ trong vòng khoảng 5-10 năm tới thôi, 40% DN sẽ bị đào thải nếu không có bất kỳ chuyển đổi nào cùng với vòng xoay của nền kinh tế số.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Và nó càng trở nên cấp thiết hơn khi chúng ta đang tiếp cận với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số chính là chiếc chìa khoá phát triển tất yếu của DN trong kỷ nguyên công nghệ, mang tính chất sống còn, bởi nếu không chuyển đổi, nếu cứ dậm chân tại chỗ đồng nghĩa với việc DN sẽ “tự sát”.

Cách đây chừng khoảng gần 20 năm, Nokia - một thương hiệu điện thoại “làm mưa làm gió” toàn cầu. Người dân trên toàn thế giới hầu như đều biết đến thương hiệu này và số người sử dụng chiếc điện thoại Nokia không phải là con số nhỏ. Tuy nhiên, hiện tại thì sao, những chiếc smart phone đã thay thế dần những “cục gạch” bởi những tính năng tiện lợi về chụp ảnh, lướt web cũng như hàng loạt những ứng dụng thông minh khác của chiếc điện thoại thông minh đời mới. Và dần dần, người ta chỉ còn nghĩ đến chiếc điện thoại Nokia như một quá khứ xa xôi với đầy sự tiếc nuối.

Cùng chung số phận với thương hiệu này, nhãn hiệu Kodak nổi tiếng cũng đã thất thế khi không chịu chuyển mình trong thời đại số hóa. Rõ ràng, nếu không chịu thay đổi thì kể cả một “gã khổng lồ” cũng có thể sụp đổ trong kỷ nguyên số.

Không chuyển đổi sẽ lụi tàn

Trong khi đó, những DN kịp thời thích ứng với xu thế, nỗ lực chuyển đổi số đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Đơn cử, mới vào thị trường Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây, song Uber, Grab đã khẳng định được thương hiệu khi sử dụng nền tảng của kinh tế số. Với sự tiện lợi, nhanh gọn và đặc biệt là tính minh bạch khi chở khách với số tiền hiện rõ trên ứng dụng điện thoại thông minh, nhiều người tiêu dùng đã ngay lập tức lựa chọn các phương tiện thông minh này thay cho những hãng taxi truyền thống.

Hãng Apple mà người ta hay gọi nôm na là “quả táo cắn dở” chưa bao giờ khiến người tiêu dùng thất vọng khi liên tục đưa ra những phiên bản iphone mới và hiện đại bắt kịp “trend” của xã hội. Và mặc dù giá đến tay người tiêu dùng không hề “dễ thở” song, những phiên bản mới của Iphone đã liên tục nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Chỉ một vài ví dụ để thấy các DN khi chuyển mình theo kỷ nguyên số, chắc chắn sẽ phát triển và bứt phá, ngược lại nếu ỳ ạch, không chịu chuyển đổi sớm muộn cũng sẽ “chết yểu” và Nokia hay Kodak là những ví dụ điển hình.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hơn một lần nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên số hóa, DN không mạnh dạn chuyển đổi số sẽ khó cạnh tranh, dễ lụi tàn”. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, số hóa chính là cứu cánh cho cộng đồng DN khi các phương thức kinh doanh truyền thống đang ngày càng trở nên bị hạn chế vì dịch bệnh.

Dù thấy rõ những mặt mạnh của chuyển đổi số cũng như những nguy cơ nếu không số hóa trong bối cảnh hiện nay, song trên thực tế còn rất nhiều DN vẫn đang chần chừ với việc ứng dụng công nghệ số. Một số DN vẫn cho rằng, chuyển đổi số là việc ở đâu, không liên quan đến mình, hoặc còn xa lắm mới phải số hóa...

Tuy nhiên, phần lớn nhiều DN còn chậm trễ trong việc chuyển mình theo nền kinh tế số là bởi nội lực họ không đủ mạnh, khi thiếu hụt cả nguồn nhân lực và đặc biệt là vốn. Đầu tư cho công nghệ đòi hỏi số vốn không phải là nhỏ song liệu lợi nhuận thu về có bù lại được khoản vốn đầu tư hay không? Đó là câu hỏi mà nhiều DN đặt ra dẫn đến tình thế e ngại khi họ quyết định thay đổi, loại bỏ công nghệ cũ.

Song, ở thời điểm này, các DN Việt Nam không thể chậm trễ hơn với công cuộc số hóa. Theo giới chuyên gia, cho dù với lý do nào, DN Việt cũng cần phải khắc phục và thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi trong “cuộc đua” công nghệ này, ai đi nhanh thì càng nắm được nhiều lợi thế, ai đi chậm sẽ bị tụt hậu. “Lựa chọn thay đổi hay ở lại phía sau, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực, sự quyết tâm của mỗi DN”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số: Chuyển đổi hay chấp nhận lụi tàn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO